Hà Nội không cho phép nhà đầu tư vi phạm tham gia đầu tư dự án mới

UBND TP Hà Nội yêu cầu không cho phép nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) được tham gia đầu tư dự án mới.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn.

Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng. Đã thành lập 804 Ban quản trị nhà chung cư; đã có 723/804 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho Ban quản trị. Đồng thời có 567/804 nhà chung cư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị (không tính 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 không có kinh phí bảo trì); có 709/804 nhà chung cư bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị; 700/804 nhà chung cư bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho Ban quản trị.

Thông tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại đã được các cấp, ngành TP triển khai thực hiện theo quy định pháp luật, từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn, cải thiện điêu kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn còn một số bất cập, như: Chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp khiếu kiện về quỹ bảo trì, quản lý diện tích thuộc sở hữu chung, bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, chỗ để xe... Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung - riêng... năng lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm quản lý còn kém.

Một số ban quản trị còn vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; chưa hiểu đầy đủ quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ cụ thể nên dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân, có trường hợp ban quản trị đã kích động cư dân khiếu kiện, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự... Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của cơ quan Nhà nước chưa được kịp thời dẫn đến một vài khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận…

 Hà Nội yêu cầu xử lý vi phạm tại dự án chung cư thương mại. Ảnh minh họa: Nguồn KTĐT.

Hà Nội yêu cầu xử lý vi phạm tại dự án chung cư thương mại. Ảnh minh họa: Nguồn KTĐT.

Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp và chủ đầu tư thực hiện theo 5 nội dung:

Một là, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.

Hai là, kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng (hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để) trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố.

Ba là, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung, công tác phòng cháy, chữa cháy để kịp thời phát hiện, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm...

Năm là, kịp thời tham mưu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về nhà ở...

Về biện pháp khắc phục, UBND TP giao Sở Xây dựng báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố; Công an thành phố xây dựng, triển khai Đề án về phòng ngừa giải quyết nguy cơ hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự tại các khu chung cư, đô thị mới trên địa bàn... Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại.

Công trình nhà ở riêng lẻ không được xây cao quá 6 tầng

Vừa qua, cử tri đề nghị thành phố Hà Nội xem xét kiến nghị với Chính phủ cho phép điều chỉnh chiều cao tầng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu nhà ở hiện có (nằm ngoài khu vực bảo tồn, khu vực di tích lịch sử - văn hóa, phù hợp về mục đích sử dụng đất theo quy hoạch phân khu) để tạo điều kiện cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở.

Trả lời kiến nghị của cử tri, UBND thành phố Hà Nội cho biết, chiều cao của các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố được xác định trên cơ sở chỉ tiêu khống chế của quy hoạch khu vực, phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành. Theo đó, tầng cao công trình nhà ở riêng lẻ được xác định cao không quá 6 tầng.

Tại một số khu vực đặc thù như khu vực vành đai xanh sông Nhuệ (trong đó có một phần diện tích của quận Bắc Từ Liêm), theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, được định hướng mật độ xây dựng thấp, công trình xây dựng thấp tầng, tăng tỷ lệ cây xanh.

Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị GS tỷ lệ 1/5000 tại Quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 13/8/2015, theo đó, tầng cao công trình trong quy hoạch phân khu GS chủ yếu được xác định cao không quá 3 tầng. Riêng các khu vực đất chức năng ở làng xóm, dân cư hiện có (xây dựng nhà ở riêng lẻ) đã được cho phép xây dựng công trình cao đến 5 tầng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về diện tích nhà ở của người dân cũng như không làm ảnh hưởng đến định hướng của quy hoạch chung tại khu vực.

Vì vậy, với kiến nghị của cử tri, trong các trường hợp cụ thể, UBND thành phố sẽ xem xét giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu về chỉ tiêu tầng cao cụ thể của nhà ở riêng lẻ trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như đáp ứng được định hướng chung của quy hoạch thành phố, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ha-noi-khong-cho-phep-nha-dau-tu-vi-pham-tham-gia-dau-tu-du-an-moi.html