Hà Nội không vì quá 'sợ sệt' mà không mở cửa cho người dân sản xuất, kinh doanh
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội giãn cách xã hội, khoanh vùng là cần thiết để kiểm soát dịch bệnh nhưng phải có những phương án dần dần hồi phục lại sản xuất. Không vì quá 'sợ sệt' mà không mở cửa cho người dân sản xuất, kinh doanh, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp đang vào thời vụ.
Tại các địa phương đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có Thủ đô Hà Nội, điều được người dân quan tâm hằng ngày, hằng giờ là việc kiểm soát dịch bệnh và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Qua thời gian giãn cách xã hội, Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, điều này được thể hiện qua số ca mắc cộng đồng giảm dần, vì thế câu chuyện trở lại cuộc sống, dù trong trạng thái "bình thường mới", khôi phục sản xuất... đang được hết sức quan tâm.
Hà Nội đã thực hiện khoanh vùng để phòng chống dịch, trong đó, việc bảo vệ, phát triển các vùng xanh được coi trọng.
Bài liên quan
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Không nên, không thể giãn cách, phong tỏa Thành phố mãi"
Thủ tướng chỉ đạo đến tận xã, phường "có áp lực nhưng cũng đầy động lực"
Phải có những phương án dần dần hồi phục lại sản xuất trên cơ sở phòng chống dịch tốt
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, để kiểm soát dịch bệnh, hiện Hà Nội đã phân vùng đỏ, vùng cam và vùng xanh.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng cho rằng, việc phân vùng phải đáp ứng các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong đó có việc tiếp tục thực hiện giãn cách hay nới lỏng giãn cách thì phải dựa trên đánh giá các nguy cơ. Các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực hiện đáp ứng theo đánh giá các nguy cơ để UBND thành phố chỉ đạo.
“Ví dụ như vùng đỏ đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội thì phải tiếp tục phong tỏa thật nghiêm, tranh thủ từ nay đến 15/9 phải kiểm soát được dịch bệnh. Đối với các vùng xanh thì phải tạo điều kiện, từng bước mở ra cho người dân đi lại, làm ăn, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, nếu phân vùng vẫn còn nguy cơ cao mà không thực hiện tốt thì dịch tiếp tục bùng lên, còn vùng nguy cơ thấp không nên tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa mà ảnh hưởng tới kinh tế, an sinh xã hội của người dân một cách không đáng có.
Đối với việc có thể nới lỏng giãn cách tại các vùng xanh, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của các huyện căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra những quy định phù hợp, từng bước mở lại sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh.
“Nếu không kiểm soát được dịch thì vùng xanh sẽ biến thành vùng đỏ ngay lập tức. Đó là điều rất quan trọng”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia Trần Đắc Phu, các địa phương cũng không vì quá “sợ sệt” mà không mở cửa cho người dân sản xuất, kinh doanh, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp đang vào thời vụ.
PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS. TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thủ đô cũng cho rằng, việc giãn cách là cần thiết, khoanh vùng là cần thiết nhưng phải có những phương án dần dần hồi phục lại sản xuất trên cơ sở phòng chống dịch tốt.
“Hà Nội cũng đang lên phương án nới lỏng những khu vực vùng xanh, khôi phục dần sản xuất, kinh doanh nhưng như tôi đã nói với điều kiện là an toàn trong phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu, tính mạng của người dân đặt lên trên hết, trước hết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, bà An nhấn mạnh.
Vaccine + 5K + ý thức mới là “đủ”
Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, đưa các ca F0 về con số 0 nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, Hà Nội đang “thần tốc” tiêm vaccine cho người dân sinh sống trên địa bàn.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu đánh giá, Hà Nội đẩy nhanh việc tiêm vaccine là cần thiết bởi một mặt Hà Nội vừa qua tiến hành kiểm soát dịch bệnh bằng biện pháp giãn cách xã hội. Mặt khác, việc tiêm vaccine sẽ đẩy nhanh quá trình đạt miễn dịch cộng đồng cho Thành phố. Sau khi tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng thì người dân có thể được đi lại làm ăn.
Tuy nhiên, chuyên gia Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo là tiêm chủng cần có những kế hoạch, tiêm cho tất cả người dân ở trên địa bàn chứ không phải những người có hộ khẩu Hà Nội. Cùng với đó là áp dụng công nghệ thông tin vào tiêm vaccine từ vấn đề đăng ký tiêm, tổ chức tiêm và quản lý sau tiêm. Việc áp dụng công nghệ thông tin tránh hiện tượng tổ chức tiêm chủng mà tụ tập đông người, lây lan dịch bệnh.
“Tiêm vaccine phải phối hợp giữa công và tư, đặt các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động, kết hợp nhiều biện pháp. Hà Nội cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để có thể vừa đảm bảo mục tiêu tiêm chủng, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, ông Trần Đắc Phu đưa ý kiến.
PGS. TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thủ đô.
Còn theo PGS. TS Bùi Thị An, việc Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine là việc làm vô cùng cần thiết trong điều kiện hiện nay để có thể mở cửa trở lại, thực hiện vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là thực hiện “mục tiêu kép”.
“Trong trường hợp này, vaccine + 5K là điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch hiệu quả, nhưng luôn phải tuyên truyền để dân có ý thức hơn nữa để tự phòng chống dịch đó là điều kiện đủ để không Covid nào tấn công được vào các “pháo đài”. Còn vaccine không hoặc 5K không thì cũng chưa đáp ứng, chưa đủ”, bà Bùi Thị An nói.
Cũng theo PGS. TS Bùi Thị An, để sống chung với dịch bệnh, phát triển kinh tế thì việc đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân có thể nói là bước “chuẩn bị” của Thủ đô nhằm thích ứng với bối cảnh mới của dịch bệnh. Mặt khác, mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn cho người dân Thủ đô, phục hồi sản xuất, cuộc sống dần trở lại bình thường.
“Hà Nội cũng đang lên phương án nới lỏng những khu vực vùng xanh, khôi phục dần sản xuất, kinh doanh nhưng như tôi đã nói với điều kiện là an toàn trong phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu, tính mạng của người dân đặt lên trên hết, trước hết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Hà Nội đang đẩy nhanh tiên độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Việc tổ chức đượ thực hiện cả ngày lẫn đêm.
Khắc phục được câu chuyện “chỉ đạo một đằng, làm một nẻo”
Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch nhưng cũng cần kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt. Đặc biệt, trong chuyến thị sát kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Thủ tướng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), Thủ tướng đã nêu ra nhiều hạn chế của chính quyền cấp cơ sở và ngay sau đó được khắc phục.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, dịch bệnh đã "phơi bày" mặt được và khuyết điểm của bộ máy hành chính. Nơi nào cán bộ yếu kém, nơi đó xuất hiện những cái “dở khóc, dở cười”.
“Nếu các cơ quan Nhà nước đối thoại với dân bằng internet, mạng xã hội thì câu chuyện đã khác, không gian ảo nhưng tác động thật. Nếu chúng ta mạnh dạn đưa các công cụ hành chính lên mạng, công việc càng minh bạch hơn, nhanh hơn và cơ quan Nhà nước càng có trách nhiệm. Covid-19 khiến một số nơi lộ ra yếu kém, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, làm mới mình”, bà Phạm Chi Lan nói.
Việc sản xuất nông nghiệp rất cần được thực hiện đúng thời vụ bởi liên quan đến năng suất, chất lượng của cây trồng.
Còn PGS. TS Bùi Thị An thì cho rằng, việc Thủ tướng thị sát, trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch trực tuyến tới hơn 9000 xã phường trên cả nước là rất cần thiết vì qua đó sẽ truyền tải trực tiếp những nội dung chỉ đạo cần thiết nhất đến tận xã phường, không cần qua trung gian. Bởi về mặt thời gian sẽ lâu về đường văn bản, hai là đôi khi có thể cấp xã, phường hiểu không thật đúng ý kiến, nội dung chính nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng. Từ đó sẽ khắc phục được câu chuyện “chỉ đạo một đằng, làm một nẻo”.
“Tôi mong rằng các đồng chí tại các địa phương, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo xã, phường, thị trấn tiếp thu, lĩnh hội kịp thời, quán triệt và thực hiện ngay theo chỉ đạo trực tuyến của Thủ tướng một cách quyết liệt hơn”, bà Bùi Thị An nói.
PGS. TS Bùi Thị An cũng đề nghị các địa phương, trong đó có Hà Nội cần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt Nghị quyết 68 để người dân an tâm phòng chống dịch. Cùng với đó, đã xác định người dân là chủ thể trong phòng chống dịch thì người dân phải được quan tâm, cung cấp đầy đủ thông tin về dịch bệnh, hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch để người dân tự phòng, tự chống dịch.
“Khi người dân tự phòng, tự chống dịch thì chắc chắn không chỉ thủ đô Hà Nội mà đâu đâu cũng an toàn”, bà Bùi Thị An khẳng định.