Hà Nội: Kiểm soát nguy cơ 'bong bóng' bất động sản
UBND TP. Hà Nội mới đây đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành và quận, huyện thực hiện giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng 'bong bóng'.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì công bố công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng phao tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Minh bạch thông tin
Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất, tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.
Bên cạnh đó đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, có ý đồ gây biến động lớn về giá để trục lợi.
Thành phố cũng giao Sở Tài chính phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý, kiểm soát việc quản lý giá đất. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát việc cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất, đầu tư các dự án bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý.
Đối với Sở Xây dựng, Thành phố yêu cầu theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản; định kỳ công bố thông tin, dữ liệu cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Đồng thời, có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, tạo hiệu ứng đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường. Xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất chưa đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản...
Thị trường “ấm nóng”
Sau thời gian khá trầm lắng vì ảnh hưởng bởi các lệnh giãn cách, thời gian gần đây, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội tiếp tục có những dấu hiệu “ấm” lên. Thông tin từ nhiều kênh mua bán, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, giá đất Quốc Oai tăng 15-20%, Ba Vì thậm chí lên đến 45%.
Một số kênh cũng ghi nhận thông tin từ huyện lên quận, từ quận lên thành phố khiến đất nền khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì… trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư lớn nhỏ.
Thậm chí, với những khu vực vùng ven sông Hồng vốn đã tăng giá đầu năm do có thông tin Quy hoạch phân khu đô thị nay lại càng trở nên đắt giá. Nguyên nhân do thành phố ra thông báo mới sẽ thực hiện phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chậm nhất trong nửa đầu tháng 1/2022.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội gần đây đã có thêm nhiều kế hoạch đầu tư các nút giao thông trọng điểm, hàng loạt dự án hạ tầng tỷ USD liên tục được quy hoạch và xây dựng khiến sức nóng về nhà đất được đẩy lên cao hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam chỉ rõ, sốt đất đang có dấu hiệu quay trở lại. Người bán hét giá trên trời, người mua e ngại nên giao dịch thật không nhiều.
Đất đai chủ yếu nằm trong tay các đầu nậu lớn đã găm hàng từ 1 - 2 năm, nay chờ cơ hội thổi giá lên để thoát hàng. Do vậy, mua đất tại thời điểm giá đang lên đỉnh rất dễ lỗ hoặc không thể thanh khoản. Ông Hà cũng đưa ra cảnh báo người mua cần hết sức thận trọng.