Hà Nội kiểm soát tốt quyền lực khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị
Thời gian qua, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Đây là nội dung tham luận của HĐND TP Hà Nội gửi tới Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 203 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 diễn ra ngày 25/3 tại Hà Nội.
Khẳng định vai trò của HĐND trong bộ máy chính quyền
Theo Thường trực HĐND TP Hà Nội, để kiểm soát quyền lực Nhà nước với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND TP đã tham mưu, xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội.
Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 28/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”. Qua đó nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án số 15/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã được HĐND các cấp nỗ lực triển khai, cơ bản hoàn thành và bước đầu đã có chuyển biến rõ nét.
Các Tổ đại biểu HĐND TP và HĐND các quận, thị xã (không tổ chức HĐND phường) đã chủ động thực hiện những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để bảo đảm vai trò đại diện của nhân dân trong điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.
HĐND các huyện, HĐND các xã, thị trấn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát; tăng cường việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Vai trò của HĐND trong bộ máy chính quyền ở địa phương tiếp tục được khẳng định, nâng cao.
Không ngừng đổi mới hoạt động giám sát
HĐND TP cũng thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực Nhà nước qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền.
Đối với hoạt động giám sát, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND TP được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cùng với sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm của TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, HĐND cũng thực hiện kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tại các nơi không tổ chức HĐND phường, Thường trực HĐND TP chỉ đạo các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP và quận duy trì tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; các thông tin nổi bật trên các cơ quan thông tấn báo chí, dư luận xã hội liên quan đến các chủ trương chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, các vấn đề dân sinh bức xúc...
Qua đó, toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp đầy đủ, chuyển tới UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo trả lời, giải quyết cụ thể; được xem xét, chuyển tải thành các nội dung phục vụ chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND TP. Đồng thời, tổng hợp thành cơ sở dữ liệu để phục vụ các hoạt động kỳ họp, tiếp xúc cử tri, thẩm tra, giám sát theo thẩm quyền, đảm bảo đúng vai trò đại diện cho quyền lợi, ý chí của cử tri và nhân dân trên địa bàn.
Cần xử lý cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, kiến nghị giám sát
Để HĐND thực hiện tốt hơn nữa việc kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND TP Hà Nội kiến nghị, cần tiếp tục có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn và những điều kiện để đảm bảo HĐND hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đặc biệt là Thường trực HĐND TP Hà Nội tại Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trong thời gian HĐND TP không họp, HĐND TP giao Thường trực HĐND TP thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công và quyết định việc hỗ trợ cụ thể căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm…
Đồng thời để phù hợp với các yêu cầu hoạt động của, HĐND TP đề nghị Quốc hội quan tâm và giao HĐND TP quyết định về số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu hoạt động chuyên trách, chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận chuyên trách tại các Ban HĐND TP và các biện pháp để đổi mới hoạt động, bảo đảm thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
HĐND TP cũng đề nghị bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung quy định về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan; quy định về cơ chế xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát.
Để khẳng định rõ hơn vai trò và tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước của HĐND đối với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn giám sát của HĐND trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và quy định liên quan đến hoạt động của HĐND.