Hà Nội kiểm tra khí thải xe máy cũ, không xét thưởng nếu để dân đốt rơm rạ
Hà Nội thí điểm kiểm tra khí thải xe máy cũ; khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ để hạn chế ô nhiễm bụi mịn, thậm chí không xét thi đua nếu địa phương nào còn để tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm khói bụi.
Theo Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn gia tăng trùng với thời điểm khu vực nông thôn thu hoạch lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và sẽ đốt vào buổi tối. Vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn (PM2.5) bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại trong khoảng thời gian từ 21h đến 1h sáng hôm sau.
Mặc dù hàm lượng bụi mịn khá thấp vào thời gian ban ngày nhưng nếu tính theo trung bình ngày, tại một số trạm quan trắc, thông số bụi mịn trung bình 24h vẫn vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam. Chỉ số này cao nhất vào thời điểm tháng 6 trong năm – thời điểm người dân thu hoạch mùa vụ.
Ngoài nguyên nhân đốt rơm rạ, các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí vào ban đêm.
Các chuyên gia cho biết, thời điểm tháng 6 trong năm, Mặt Trời đi qua thiên đỉnh 2 lần tại Hà Nội với cường độ bức xạ mặt trời mạnh nhất trong năm, ánh sáng từ Mặt Trời với cường độ lớn rọi vuông góc xuống đất khiến mặt đất bị đốt nóng.
Đến gần tối, khi mặt đất nguội đi, phát ra bức xạ hồng ngoại gây nghịch nhiệt sát mặt đất kết hợp với điều kiện lặng gió nên các chất ô nhiễm do hoạt động đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể phát tán mà lơ lửng trong không khí.
Ngoài ra, cường độ bức xạ cao cũng gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Nhiều địa phương đã có các văn bản khuyến cáo người dân hạn chế đốt rơm rạ, sử dụng những phụ phẩm của ngành nông nghiệp làm nguyên liệu tái chế, sản xuất phân xanh, làm nguyên liệu trồng nấm, rau màu…
Tại Hà Nội, theo kiểm tra của Sở TN&MT, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện còn khá phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh sau vụ đông xuân 2021 (hơn 710.676 tấn rơm rạ tươi). Nhiều huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như: Gia Lâm và Thường Tín (50%), Thạch Thất (45%), Chương Mỹ (37%)…
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, với 20% lượng rơm rạ bị đốt trên địa bàn sẽ phát sinh 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
Hà Nội từng đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xử lý để không còn rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng ruộng sau thu hoạch, tuy nhiên đến nay mục tiêu đó vẫn chưa thể hoàn thành.
Năm 2019, Thành phố ban hành Chỉ thị số 19 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI), trong đó đề cập đến việc người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa.
Năm 2020, Chỉ thị số 15 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thành phố yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến năm 2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định.
Vụ mùa 2021, người dân vẫn tiếp tục đốt rơm rạ sau thu hoạch với tỷ lệ 3,6%. Một số huyện tỷ lệ đốt rơm rạ tăng cao như Gia Lâm 30,4%, Đông Anh 28,9%, Mê Linh 14,3%, Thanh Oai 4,8%...
Việc đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao. Vụ mùa 2021, khối lượng bụi mịn đo được là 86,9 tấn; khí CO2 là 12.326,8 tấn; khí SO2 khoảng 1.885 tấn, khí CO là 973,9 tấn. Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp đến khu vực nội thành, ảnh hưởng đến an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài.
Tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội tiếp tục ra Chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm việc này. Địa phương nào để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, sẽ phê bình lãnh đạo, tập thể và không xét thi đua, khen thưởng trong năm 2022.
Giám sát khí thải phương tiện giao thông
Một tác nhân khác góp phần gây ô nhiễm không khí của các đô thị, đó là khí thải phương tiện giao thông.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhằm giảm thiểu ô nhiễm do khí thải ô tô, xe máy lưu hành gây ra, Bộ TN-MT đã ban hành Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan điều chỉnh, giám sát, vận hành theo các yêu cầu kỹ thuật đã đưa ra.
Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát và làm việc với các bộ ngành, địa phương thu thập thông tin, từ đó đánh giá việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành.
Theo nhiệm vụ, Bộ TN-MT được giao ban hành quy chuẩn kiểm soát khí thải, lộ trình áp dụng với phương tiện giao thông; Bộ GTVT thực thi thông qua quản lý hoạt động đăng kiểm.
Cuối năm 2021, TP Hà Nội triển khai thí điểm 24 điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành; tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ lấy xe máy mới.
Chương trình triển khai tại 8 quận, huyện, thị xã gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Sơn Tây và Thường Tín.
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) Lê Hoài Nam nhận định, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô.
Việc đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông; cung cấp thông tin thực tiễn để xây dựng chính sách, quy chuẩn khí thải và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường không khí.
Kết quả đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội cũng là căn cứ quan trọng để Bộ TN-MT; Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.