Hà Nội kiên quyết thay thế cán bộ chủ chốt cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ
Đề án 34 đề ra mục tiêu đến năm 2025 bố trí đủ 100% số lượng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã, kiên quyết thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 16/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số văn bản về công tác cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Nâng cao chất lượng cán bộ chủ chốt cấp xã
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã quán triệt 2 văn bản quan trọng của Ban Thường vụ Thành ủy. Đó là Đề án số 34 ngày 6/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 188 ngày 6/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở thành phố và các quận, huyện, thị xã.
Mục đích của Đề án số 34 là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 04 ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo” và Quy định số 07 ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Đồng thời, tăng cường xây dựng chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn, qua đó tổ chức thực hiện hiệu quả việc phân cấp, ủy quyền.
Việc tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới là yêu cầu cấp bách nhằm chủ động chuẩn bị trước một bước để tạo nguồn cán bộ phục vụ công tác nhân sự Đại hội đảng bộ xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2025-2030 và nguồn cán bộ lâu dài cho cấp trên cơ sở.
Theo số liệu thống kê đến 31/12/2022, tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 11.473 người (5.405 cán bộ và 6.068 công chức). Trong đó, số lượng cán bộ chủ chốt cấp xã là 3.622 người; tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 17,9%; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên (đại học trở lên chiếm 99,9%) và trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên (cao cấp, cử nhân chiếm 18%).
Tuy nhiên trên thực tế, nhận thức và sự quan tâm của một số cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư cấp ủy về công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã còn hạn chế, thiếu giải pháp đột phá.
Trong khi đó, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 35 tuổi còn thấp (mới chiếm 5,0%); quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã chậm đổi mới, chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện trong giai đoạn mới, vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã chưa hoàn thiện.
Trên cơ sở đó, Đề án số 34 đề ra các nhóm mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cũng như giải pháp triển khai thực hiện. Nội dung đề án nhấn mạnh việc kiên quyết thay thế những cán bộ chủ chốt cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Vũ Đức Bảo cho biết, Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 bố trí đủ 100% số lượng cán bộ cho các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã theo quy định, đáp ứng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh.
Phấn đấu tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp xã trẻ dưới 35 tuổi đạt tối thiểu 10%, giữ vững tỷ lệ cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%, phấn đấu trong ban thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn có cán bộ nữ.
Đối với Kế hoạch số 188, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, kế hoạch nhằm tăng cường, bổ sung cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cho các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có khó khăn, khuyết thiếu nguồn nhân sự; tăng cường nguồn nhân lực cho cơ sở để thực hiện phân cấp, ủy quyền.
Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn...
Thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả Đề án số 34 và Kế hoạch số 188 trong công tác cán bộ ở cơ sở.
Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có sự đồng bộ.
Trong đó, một số địa phương chưa bảo đảm đủ nguồn cán bộ, công chức có chuyên sâu đối với các lĩnh vực chuyên ngành như quy hoạch kiến trúc, kinh tế nông nghiệp, du lịch nông thôn…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị xác định đây là việc khó, nên phải triển khai thường xuyên, kiên trì. Trong đó, các địa phương phải chú trọng công tác tạo nguồn, không chỉ tại chỗ mà cả những sở, ngành của thành phố.
Đồng thời, các đơn vị có thể đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học trên địa bàn thành phố để tạo nguồn cán bộ, công chức; chủ động cập nhật kiến thức cho các đối tượng này.
Cùng với đó, các đơn vị phải không ngừng đổi mới nội dung cũng như phương thức đào tạo các bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả và sát với tình hình thực tiễn hiện nay của từng địa phương.
“Trên cơ sở 2 văn bản quan trọng này của Ban Thường vụ Thành ủy, đề nghị các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp cũng như với mỗi cán bộ, công chức ở địa phương.
Trong tháng 12 này, các đơn vị phải xây dựng xong kế hoạch hoặc đề án thực hiện 2 văn bản này của Thành ủy. Căn cứ thực tiễn, các đơn vị triển khai một cách công tâm, khách quan, dân chủ và phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động và biệt phái cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chế độ, chính sách cho các đối tượng này.
Các đơn vị, địa phương rà soát bằng cấp chuyên môn của cán bộ và có kế hoạch đào tạo thường xuyên để đáp ứng yêu cầu công việc.