Hà Nội kiên quyết xử lý việc tổ chức dạy thêm học thêm sai quy định
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phản hồi về việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại một trung tâm văn hóa thuộc quận Đống Đa.

Thông tư 29 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quỹ đạo.
Trung tâm chưa được cấp phép hoạt động
Đã hơn 2 tháng từ khi Thông tư 29 quy định việc dạy thêm học thêm có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý nhằm đưa hoạt động này vào quỹ đạo, điều chỉnh hành vi cho cả giáo viên và học sinh chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan.
Thực tế việc siết chặt quản lý dạy thêm học thêm bước đầu đã có kết quả tích cực, điều chỉnh dạy học trong nhà trường và gia đình. Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn những câu chuyện chưa ổn trong triển khai quy định này.
Theo phản ánh của chương trình Chuyển động 24h, Đài Truyền hình Việt Nam, vẫn còn tình trạng bất cập trong việc thực hiện dạy thêm, học thêm.
Cụ thể, tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga, nằm ở phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), học sinh tất cả các lớp của trường THCS Láng Thượng đã đến học thêm kể từ khi Thông tư 29 có hiệu lực. Mặc dù học thêm theo tinh thần tự nguyện nhưng các lớp học vẫn thu hút rất đông học sinh.
Một học sinh cho biết, lớp em có 34 bạn và tất cả đều đến trung tâm này để học thêm bởi nếu không học thêm, sẽ không theo kịp các bạn cùng lớp. Còn phụ huynh thì cho rằng, Trung tâm không khác gì ngôi trường thứ hai khi chỉ dạy duy nhất học sinh của 1 trường với tổng số gần 500 em.
Tiền học mỗi tháng gần 2 triệu đồng cho mỗi em; lịch học cũng được sắp xếp so le nhau giữa hai buổi. Nhiều người cho rằng đây là trung tâm liên kết với trường để hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm. Các môn học ở trên lớp và ở trung tâm vẫn được dạy liên thông với nhau, chỉ là đổi từ chỗ này sang chỗ kia.
Hoạt động từ năm 2023, Trung tâm Việt Nga đã tổ chức dạy thêm, học thêm cho khoảng học sinh Trường THCS Láng Thượng trong và ngoài trường. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, học sinh không còn học trong trường với thầy cô giáo trên lớp và chuyển sang trung tâm bên ngoài nhà trường.
Để giải quyết bài toán hàng trăm chỗ học cho học sinh, Trung tâm Việt Nga đã thuê địa điểm khác nằm trên phố Chùa Láng. Là cơ sở 2 nhưng thực chất là nhà ở của người dân được kê thêm bàn ghế phục vụ dạy học. Theo thông tin từ cán bộ địa phương, địa điểm thuê nhà dân chưa được cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm.

Hà Nội đóng cửa cơ sở chưa đủ điều kiện dạy thêm học thêm.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD&ĐT quận Đống Đa phối hợp với Phòng PA03 - Công an thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin.
Ngày 23/4, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cùng đại diện Phòng PA03 - Công an thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo phường Láng Thượng, đại diện Công an phường Láng Thượng kiểm tra hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Việt Nga, cơ sở 2 theo phản ánh.
Qua kiểm tra, đoàn công tác xác định: Trung tâm được cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký địa điểm kinh doanh do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp. Trung tâm đã niêm yết tại cơ sở địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm. Trung tâm có hồ sơ của 29 giáo viên đang tham gia giảng dạy và khoảng 600 đơn xin học của học sinh các khối thuộc cấp THCS.
Đoàn công tác xác định Trung tâm còn một số tồn tại, vi phạm như: Chưa niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, danh sách người dạy thêm, mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm học thêm theo mẫu quy định.
Trong hồ sơ giáo viên giảng dạy tại trung tâm thiếu 4 hợp đồng lao động; hợp đồng lao động chưa thể hiện đầy đủ các nội dung như vị trí việc làm, thời gian làm việc. Trung tâm chưa xuất trình được hồ sơ sổ sách liên quan đến việc thu phí hằng tháng; chưa xuất trình được hồ sơ phòng cháy chữa cháy...
Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cũng đã kiểm tra việc giáo viên Trường THCS Láng Thượng đăng ký dạy thêm ngoài trường. Qua kiểm tra cho thấy, các giáo viên đã báo cáo hiệu trưởng về việc xin dạy thêm ngoài trường; đã ký cam kết thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; không dạy học sinh chính khóa của mình có thu tiền. Giáo viên thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của trường giao và đăng ký dạy thêm ngoài trường ngoài thời gian dạy học chính khóa.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản Trung tâm về những tồn tại, vi phạm theo quy định; tạm dừng hoạt động của Trung tâm từ 12h ngày 23/4. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Trung tâm thông báo tới phụ huynh học sinh và thực hiện các yêu cầu nghĩa vụ tài chính đối với phụ huynh, học sinh khi dừng học; bảo đảm quyền lợi của học sinh.
Đoàn kiểm tra đề nghị phường Láng Thượng giám sát việc thực hiện yêu cầu dừng hoạt động của Trung tâm; đề nghị Phòng GD&ĐT quận Đống Đa tiếp tục làm việc với Trường THCS Láng Thượng và các trường trong quận nhằm tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 15.000 trung tâm, hộ đăng ký kinh doanh dạy thêm, "tăng rất nhiều" sau Thông tư 29. Số trung tâm, hộ kinh doanh dạy thêm tăng nhanh, trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết về quy định, chế tài xử lý các vi phạm liên quan có thể khiến các địa phương gặp khó khăn trong kiểm tra, giám sát.
Về việc này, ngày 23/4/2025, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1945/BGDĐT-GDPT gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định; báo cáo kết quả xử lý về Bộ GD&ĐT bằng văn bản trước ngày 30/4/2025.