Hà Nội kỳ vọng vươn tầm cao mới với 'kỳ tích sông Hồng'

Trục cảnh quan sông Hồng được xác định là trục phát triển chủ đạo trong Quy hoạch Thủ đô trong tương lai, đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Mới đây, trong một cuộc trao đổi trên truyền thông, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam nhìn nhận trong những năm qua, Hà Nội đã đạt được những bước phát triển rực rỡ và trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam.

Xây dựng biểu tượng mới

Theo ông Choi, những thành tựu kinh tế - xã hội Hà Nội đạt được trong thời gian qua có thể tạo nên Kỳ tích sông Hồng, tượng trưng cho sự phát triển của Việt Nam, như sự phát triển của Hàn Quốc từng được gọi là Kỳ tích sông Hàn.

Thực tế, phát triển trục cảnh quan hai bên bờ sông Hồng luôn là mục tiêu cốt lõi được thành phố Hà Nội thúc đẩy. Minh chứng rõ nhất là trong Luật Thủ đô năm 2024 cũng nêu rõ việc tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.

Quy hoạch phân khu sông Hồng là mục tiêu cốt lõi của Hà Nội nhằm mở ra không gian phát triển mới.

Quy hoạch phân khu sông Hồng là mục tiêu cốt lõi của Hà Nội nhằm mở ra không gian phát triển mới.

Cụ thể, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch chung Thủ đô) phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố.

Đồng thời, phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Đáng chú ý, ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Kết luận nêu rõ, Quy hoạch và Đồ án nói trên phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược...; thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia.

Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bổ hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

Tạo động lực phát triển

Không chỉ thể hiện trên các đồ án hay quy hoạch, thực tế cho thấy Kỳ tích sông Hồng đã bắt đầu trong những năm qua. Điển hình, ở phía Đông Bắc, quận Long Biên, huyện Gia Lâm và một phần tỉnh Hưng Yên (huyện Văn Giang) đã và đang chuyển mình vô cùng mạnh mẽ trong gần một thập kỷ trở lại đây.

Ngược lên phía Bắc sông Hồng, các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh cũng đang có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh đô thị hóa trên nền tảng đô thị, hạ tầng, công nghiệp hiện đại, được kỳ vọng sẽ trở thành “thành phố trong thành phố”.

Hà Nội quyết tâm tạo "kỳ tích sông Hồng" để góp phần xây dựng thành phố hiện đại, thông minh, kết nối toàn cầu.

Hà Nội quyết tâm tạo "kỳ tích sông Hồng" để góp phần xây dựng thành phố hiện đại, thông minh, kết nối toàn cầu.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, sông Hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với Thủ đô Hà Nội mà với cả vùng đồng bằng rộng lớn. Khai thác sông Hồng làm trục cảnh quan của Thủ đô là việc cần làm nhanh chóng. “Hiện vẫn chưa có dự án nào thực sự lớn để khai phá dòng sông đúng với tiềm năng, quỹ đất hiện có ngoài một số cây cầu được xây dựng”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đặt vấn đề.

Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2022. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, để quy hoạch này thành hiện thực, cần sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ không chỉ chính quyền Thủ đô mà cả các bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về giải quyết những điểm còn vướng mắc.

Đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo sự bền vững, hiệu quả, giảm thiểu những hệ lụy, thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Một trong những sự việc nhãn tiền cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh hiện thực hóa quy hoạch sông Hồng là hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua.

Theo bà Trần Thị Thanh Ý, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, bài toán quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch đô thị ven sông Hồng là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh.

Trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho trục cảnh quan chung về giao thông cũng như sự phát triển ở hai bên sông trong thời gian tới. Việc khai thác trục cảnh quan sông Hồng phải phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được rà soát, điều chỉnh. Các quy hoạch chung sẽ là cơ sở để khớp nối, gắn kết và phân chức năng cho từng khu vực trong khai thác tiềm năng của sông Hồng.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được thành phố phê duyệt là cơ sở để hình thành các dự án. Các dự án này cần được phân chia thành 3 loại.

Loại thứ nhất, có khả năng sinh lời và thu hồi vốn, sẽ được tổ chức đấu thầu và đấu giá theo đúng quy định hiện hành, là nguồn lực xã hội hóa giúp quy hoạch trở thành hiện thực. Những dự án này cần sớm công khai để nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu.

Loại thứ hai là các dự án không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời, cần phải lập kế hoạch trung và dài hạn để thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Thứ ba, là các dự án Nhà nước và người dân cùng kết hợp thực hiện.

Tựu chung lại, sông Hồng được Hà Nội xác định hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô. Trục sông Hồng sẽ được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.

Ý tưởng và mục tiêu đã rõ ràng, điều cần làm lúc này là đẩy nhanh tốc độ giải bài toán hiện thực hóa tiềm năng, tạo động lực phát triển cho Thủ đô và toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-ky-vong-vuon-tam-cao-moi-voi-ky-tich-song-hong-1103137.html