Hà Nội làm theo lời Bác

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn nặng nghĩa nặng tình với Thủ đô Hà Nội. Hồ Chí Minh đã gắn bó với vùng đất mà vua Lý Thái Tổ ví là có thế 'rồng cuộn, hổ ngồi' để 'mưu toan việc lớn cho muôn đời'!

Hơn nửa thế kỷ nay, người Hà Nội dẫu không còn được thấy “Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/ Quanh mặt hồ in mây trắng bay”; giao thừa đến không còn được nghe thơ Bác với giọng Nghệ đầm ấm, yêu thương, nhưng nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước ta vẫn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh-“Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” lòng kính yêu và biết ơn vô hạn!

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam và thật linh thiêng, cũng chính ngày này 24 năm sau, 2-9-1969 cũng là ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30-1-1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30-1-1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tối 30-8-2024, tại Quảng trường Ba Đình, kênh VTV1 Đài Truyền hình hình Việt Nam phát sóng trực tiếp Lễ tưởng niệm 55 năm Bác Hồ mãi đi xa. Những bài ca về Hồ Chí Minh “đẹp nhất tên Người là một niềm tin” đã làm rung động con tim của hàng triệu người Việt. Hình ảnh xúc động và ấn tượng nhất là lãnh đạo Đảng và Chính phủ kính cẩn nâng đài nến tri ân tưởng nhớ Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Thời khắc đó chúng ta thực sự sống lại thời điểm cách đây 55 năm, hàng chục ngàn người dân Hà Nội và các tỉnh (trong đó có tôi - sinh viên năm thứ 3 Đại học Tổng hợp Hà Nội) ngực đeo băng Quốc tang, hòa trong dòng người vô tận đi bộ từ Phan Đình Phùng, qua Hoàng Diệu, rẽ qua Hoàng Văn Thụ vào Hội trường Ba Đình viếng Bác. Cảm xúc trào dâng trong tôi bây giờ - cũng như mọi người - là nỗi đau thương, vô hạn! Linh cữu của Người được quàn trong hòm kính trong suốt. Bác nằm đó, vầng trán mênh mông thanh thản, chòm râu thưa trắng bạc, đôi mắt khép lại như đang thiếp đi...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tháng 11-1959. Ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tháng 11-1959. Ảnh: Tư liệu.

Sinh thời, “Thủ đô ta” là ba từ được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng biết bao ân tình của Người đối với Hà Nội và cũng chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy! Ba từ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội. Người luôn chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh và toàn diện. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, thành phố bị bom đạn Mỹ đánh phá tan hoang, Bác vẫn mong muốn Hà Nội sau chiến tranh phải là một Thủ đô “hơn mười ngày nay”.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31-1-1965. Ảnh: Tư liệu.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31-1-1965. Ảnh: Tư liệu.

55 năm kể từ ngày Bác đi xa, Hà Nội đã đáp lại ân tình và mong ước của Người. Với truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, yêu chuộng hòa bình, với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã giữ được đà tăng trưởng, nhiều lĩnh vực bứt phá ngoạn mục. Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hạ tầng kinh tế-xã hội được nâng lên một bước, kết quả xây dựng nông thôn mới thực sự là dấu ấn nổi bật. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội tiếp tục phát triển. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng cũng như khát vọng của nhân dân để xây dựng Hà Nội là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có sức cạnh tranh cao so với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Nhà nước; với nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội sẽ cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

VÕ QUỐC HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ha-noi-lam-theo-loi-bac-798028