Hà Nội: Làng nghề mang lại giá trị kinh tế 24.000 tỷ đồng mỗi năm

Ngày 5/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp.

Làng nghề tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND TP. Hà Nội công nhận.

Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…

Nhằm phát triển làng nghề, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt là tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.

Sự phát triển tương đối ổn định của các làng nghề đang mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin: “Hai năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn…” - ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam nói chung, trong đó có những giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm. Thậm chí, sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hóa Hà Nội và của Việt Nam ra thế giới, để giao lưu với các nước bạn; qua đó khẳng định trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hóa vô cùng đặc sắc.

Làng nghề Hà Nội mang lại giá trị kinh tế 24.000 tỷ đồng/năm. Ảnh: TL

Làng nghề Hà Nội mang lại giá trị kinh tế 24.000 tỷ đồng/năm. Ảnh: TL

Quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi đã chú trọng bảo tồn và phát triển làng nghề

Khẳng định phát triển làng nghề là vấn đề có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, tuy nhiên, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng bày tỏ băn khoăn rằng có lúc này lúc khác, có thời kỳ này thời kỳ khác thì sự quan tâm đến vấn đề làng nghề là khác nhau, thậm chí là chưa đầy đủ.

Sự thiếu quan tâm này khiến hiệu quả, kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển làng nghề chưa được như mong muốn; làm phiền lòng, gây ra nhiều khó khăn cho các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, việc gìn giữ và phát huy các giá trị làng nghề là vấn đề đặt ra hiện nay. Thực tế là có nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt, được chứng nhận OCOP nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu lại chưa được quan tâm. Thậm chí “hàng thủ công mỹ nghệ nhiều sản phẩm lô đầu rất đẹp, nhưng lô sau lại làm ẩu. Lô sau đá lô trước làm mất khách hàng…”.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của làng nghề, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chia sẻ, hiện nay, thành phố đang nghiên cứu để chỉ đạo cụ thể các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và gìn giữ, phát huy giá trị các làng nghề và mong muốn nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển, hướng đến xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

UBND TP. Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-lang-nghe-mang-lai-gia-tri-kinh-te-24000-ty-dong-moi-nam-154401.html