Hà Nội lập đoàn kiểm tra, giám sát các địa điểm ăn uống
Tp. Hà Nội đã tổ chức 4 đoàn, liên tục kiểm tra, giám sát tại địa điểm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nơi phục vụ đông du khách và người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, tuyệt đối không để sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, lưu thông trên thị trường. Đơn vị cũng thông báo công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành. Sau đó, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của cơ sở.
Trong 2 tuần đầu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, 4 đoàn liên ngành an toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra 16 cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, có 7/16 cơ sở đạt, 3 cơ sở chưa xuất trình giấy tờ, 6 cơ sở có vi phạm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã giao Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận huyện, Ban Chỉ đạo 389 và Sở Công Thương tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra lĩnh vực này được các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh, đặc biệt trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Từ sự quyết liệt này, các cơ sở dịch vụ ăn uống đã có sự chuyển biến trong kinh doanh, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Mới đây, trong 2 ngày 9 - 10/5, tại quận Bắc Từ Liêm, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an quận, Đội Quản lý thị trường số 22, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố liên tiếp phát hiện, thu giữ, xử lý hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, khi lực lượng chức năng kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa tại dãy nhà N1D3, TDP 1, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm do anh Đỗ Văn Thắng (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú ở Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) là chủ cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn nửa tấn thực phẩm đông lạnh gồm: lòng non, kê gà, đuôi heo, tràng lợn… không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tương tự kiểm tra tại Công ty Cổ phần Sannycook Việt Nam có địa chỉ tại LK19 - OCT2, Khu đô thị Ressco Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm do chị Hà Thị Hường (sinh năm 1985) là Giám đốc, lực lượng chức năng phát hiện hơn nửa tấn thực phẩm đông lạnh gồm đùi gà đông lạnh, đùi gà hấp, gà tẩm bột, gà ủ muối nguyên con, mỡ động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tạm giữ toàn bộ số thực phẩm trên, lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Tại quận Thanh Xuân, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó riêng trong đợt cao điểm Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã kiểm tra, giám sát 227 cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua đó, xử phạt 56 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền hơn 288 triệu đồng. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, Đội Quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra 21 vụ, xử lý 19 cơ sở trên địa bàn quận với tổng số tiền phạt hơn 345 triệu đồng. Tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy gần 343 triệu đồng.
Các vi phạm chủ yếu là lao động ở khâu chế biến thức ăn thiếu các trang thiết bị bảo hộ như mũ, khẩu trang; tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn mà không sử dụng găng tay; khu vực nhập nguyên liệu, không có bàn, giá kệ tiếp nhận thực phẩm đưa vào bếp, thiếu trang bị dụng cụ tiếp nhận thực phẩm tươi sống; chưa xuất trình hồ sơ pháp lý về nguyên liệu thực phẩm, không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đưa vào nhà hàng…
Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, quý I/2023, toàn quận tổ chức kiểm tra 877 cơ sở, xử phạt 63 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 291 triệu đồng. Lực lượng chức năng thu giữ, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng thực phẩm trị giá hơn 200 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, khi triển khai công tác an toàn thực phẩm quận gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác này, đặc biệt đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm...
Tại huyện Mỹ Đức, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm từ tuyến huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kết quả đã kiểm tra 475 cơ sở, phát hiện 23 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 17 cơ sở, xử phạt 6 cơ sở với số tiền 12 triệu đồng.
Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, lỗi vi phạm chủ yếu là không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; thiếu trang phục bảo hộ lao động... Qua kiểm tra cho thấy, việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm ở một số xã còn chậm; nhận thức của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế; chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại địa phương. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu, cơ bản thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm dẫn đến chưa khắc phục được nhiều vi phạm./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-lap-doan-kiem-tra-giam-sat-cac-dia-diem-an-uong/291396.html