Hà Nội lên kế hoạch đến năm 2035 thay thế 50% xe buýt diesel bằng xe điện
Tại một hội thảo quốc tế mới đây, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội (Sở GTVT) Hà Nội ông Đỗ Phan Anh cho biết Thủ đô đặt mục tiêu thay thế 50% xe buýt diesel bằng xe điện đến năm 2035. Lộ trình được chia thành nhiều giai đoạn.
Trong sáng ngày 10/11, hội thảo quốc tế "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện" được diễn ra. Phát biểu tham luận, ông Đỗ Phan Anh chia sẻ Hà Nội là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước. Một trong số đó là đường sắt đô thị, taxi điện, xe buýt CNG, xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.
2.034 xe buýt được trợ giá và 277 xe sử dụng năng lượng sạch ( 139 xe CNG và 138 xe buýt điện chiếm 13.6% tổng số xe). Đặc biệt là có trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên chiếm 44,5%.
Tuy nhiên, vẫn có 1.757 xe buýt đang sử dụng nhiên liệu diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. Số lượng phương tiện cũ, đạt tiêu chuẩn khí thải thấp đang còn tương đối lớn khi số xe buýt trên 5 năm chiếm tỉ lệ 39% và đạt dưới chuẩn Euro IV chiếm 44,5%.
VinFast cũng là đơn vị duy nhất sản xuất và lắp ráp xe buýt điện tại Việt Nam. Các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc hiện đang chiếm 90% sản lượng cung cấp xe buýt điện cho thế giới.
Cần biết việc chuyển sang xe buýt điện cần mức tiêu hao năng lượng lớn, chủ yếu ở các khu vực có điểm đầu cuối, depot xe buýt. Chính vì vậy, ngành điện lực cần tham gia để quy hoạch, nâng cấp nguồn điện nhằm cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.
Ngoài ra, xác định vị trí các depot và các công trình phụ trợ để lắp đặt nguồn điện phù hợp. Để nâng cấp hệ thống điện với số phương tiện là 1.000 xe cần thời gian từ 3-5 năm.
Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh đang được nghiên cứu chia thành từng giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2025-2030, phấn đấu chuyển đổi trung bình 157 xe/năm. Giai đoạn 2 tờ năm 2031-2035 chuyển đổi trung bình 162 xe/năm.
Với lộ trình trên công với xe CNG thì vào năm 2035 Hà Nội sẽ có 50 % xe buýt điện được lưu thông.
Trước đó, Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane ngành GTVT, Transerco đề xuất TP.Hà Nội chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất ngày xe đối với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ngày.
Quá trình thực hiện, Sở GTVT Hà Nội gặp không ít khó khăn như chi đầu từ năng lượng xanh, phương tiện sử dụng năng lượng điện lớn. Không những thế là áp lực về các khoản chi phí đầu tư hạ tầng như hệ thống điện, trạm biến áp, chi phí lãi vay đã ảnh hưởng không nhỏ tới khoản chi phí trợ giá cho xe buýt hiện nay.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề phát triển giao thông xanh tại TP.Hà Nội, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Ủy viên Ban chấp hành VCCI cho rằng, đây là tầm nhìn mà Hà Nội đã đề ra kế hoạch từ khá lâu. Đến nay, các hành động được thực hiện mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn. Đó là việc xuất hiện các tuyến đường sắt đô thị, gia tăng các phương tiện công cộng và mạng lưới kết nối, xe buýt nhiên liệu sạch, xe buýt điện, taxi điện…
Thậm chí, mới đây, tại Hà Nội đã có bản đồ xe đạp để phục vụ người dân. Điều này thể hiện cho sự quyết tâm của chính quyền thủ đô trong việc “xanh hóa” giao thông.