Hà Nội lo ngại dịch sởi tăng cao trong 3 tháng cuối năm

Số ca mắc sởi tại Hà Nội đang có dấu hiệu tăng lên, có nguy cơ tăng cao trong 3 tháng cuối năm. Hà Nội đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để ngăn chặn dịch ngay từ đầu.

Hà Nội tiêm vaccine sởi cho trẻ. Ảnh: Tạ Nguyên

Hà Nội tiêm vaccine sởi cho trẻ. Ảnh: Tạ Nguyên

Số mắc có xu hướng tăng

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 18-25/10), toàn thành phố ghi nhận thêm 7 trường hợp mắc sởi, không có ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, có 6 trường hợp chưa được tiêm chủng và 1 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.

Như vậy, số ca mắc trong tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước (tuần trước là 6 ca).

Từ đầu năm năm 2024 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận tổng số 35 trường hợp mắc sởi; trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc sởi nào.

Lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định: Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng thời gian gần đây. Các bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Dự báo trong thời gian tới, Hà Nội có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm. Để phòng chống dịch sởi, Hà Nội đang tích cực triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi.

Theo đó, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát đối tượng và thông báo tiêm cho những trẻ từ 1-5 tuổi, thuộc đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vacicne Sởi-Rubella.

Đặc biệt, ngành y tế tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Tính đến hết ngày 17/10, Hà Nội đã có 29/30 đơn vị đã tổ chức tiêm chiến dịch sởi; trong đó có 470 trạm y tế tổ chức tiêm và 22 điểm tiêm tại trường học. Cộng dồn đã tiêm được 23.296 đối tượng, trong đó có 22.777 đối tượng thuộc nhóm trẻ 1-5 tuổi; 519 người là nhân viên y tế có nguy cơ cao. Cụ thể, có 21.247 trẻ được tiêm tại trạm y tế, 1.530 trẻ được tiêm tại điểm tiêm trường học.

Để chiến dịch tiêm chủng diễn ra an toàn, đạt hiệu quả cao, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các TTYT quận, huyện, thị xã trong việc triển khai chiến dịch cũng như đẩy mạnh công tác giám sát tiêm chủng tại các đơn vị.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho biết, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức điều tra, rà soát đối tượng trên địa bàn, đặc biệt là trẻ đi học tại các nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, đảm bảo không sót đối tượng. Đối với các đơn vị đã tổ chức tiêm chủng chiến dịch, tiếp tục thống kê trẻ còn chưa tiêm chủng, thông báo đến các trẻ đã có danh sách tiêm nhưng chưa đến tiêm chủng để tiêm vét, thông báo cho nhà trường, chính quyền địa phương để mời trẻ đi tiêm chủng trong chiến dịch. Đồng thời, có kế hoạch tiêm vét hợp lý tại các cụm trường học, cụm trạm y tế để hạn chế hao phí vaccine, gửi dự trù vaccine lên CDC Hà Nội nếu có nhu cầu bổ sung. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi về chiến dịch để người dân tham gia, hưởng ứng chiến dịch.

Cảnh giác các biến chứng nặng của bệnh sởi

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo: Bệnh sởi đang có dấu hiệu lưu hành ở nhiều tỉnh, thành phố. Bệnh sởi có nguy cơ lây lan rất cao; chỉ cần trong các lớp học, nếu có 1 trẻ mắc sởi thì có khoảng 90% số các trẻ trong lớp sẽ hít phải virus và nếu không được tiêm chủng đầy đủ, có thể lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.

Trẻ mắc sởi có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch; nhiều trường hợp biến chứng nặng có thể tử vong.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cũng chú ý, các cha mẹ cần chú ý một số triệu chứng điển hình của bệnh sởi để phát hiện sớm và điều trị như: Sốt cao; chảy nước mắt, nước mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc…

Đặc biệt, dấu hiệu ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4 đến 6 của bệnh theo thứ tự: Mọc từ đầu, mặt, cổ, dần lan đến ngực, lưng, cánh tay, rồi đến bụng, mông, đùi, chân. Khi phát ban hết toàn thân, thân nhiệt giảm dần, trẻ hết sốt và ban bắt đầu bay.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh biến chứng nặng của bệnh sởi.

Đối với bệnh sởi có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine, CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế để đảm bảo phòng bệnh cho con em mình và cộng đồng.

Việc triển khai đồng loạt tiêm vaccine sởi cho trẻ nhỏ không chỉ giúp trẻ có hàng rào miễn dịch phòng bệnh, mà còn ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm chung trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Ngoài chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đang triển khai, ngành y tế khuyến cáo, người dân cần chú ý lịch tiêm vaccine sởi cho trẻ theo khuyến cáo trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ với lịch tiêm như sau:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vaccine sởi).
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella).
Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/ha-noi-lo-ngai-dich-soi-tang-cao-trong-3-thang-cuoi-nam-20241028104508485.htm