Hà Nội lọt top 200 thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu; Hà Nội ưu tiên mọi nguồn lực, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện; Trang bị kỹ năng để trẻ có thể thoát hiểm khi ô tô bị khóa... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu

Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo với 62,86 điểm. Năm 2023, Hà Nội cũng lần đầu tiên lọt top 200 thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giới thiệu về Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và khuyến nghị cho thành phố Hà Nội vừa diễn ra. Làm thế nào để Hà Nội ngày càng tiệm cận với các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực và thế giới là vấn đề đang được đặt ra và tìm lời giải.

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2023 đã chỉ rõ các điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết cũng như cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách nhằm thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội.

Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo với 62,86 điểm. Ảnh minh họa.

Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo với 62,86 điểm. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới sáng tạo cũng giúp đánh giá năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo; chất lượng điều hành, quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo; xây dựng các chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các chiến lược, kế hoạch của Hà Nội.

Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: Nhân lực; Chi cho nghiên cứu phát triển; Số lượng tổ chức khoa học công nghệ; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội đều đạt điểm tuyệt đối như: Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên; Tín dụng cho khu vực tư nhân; Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân.

Tuy nhiên, Hà Nội có 11 chỉ số thuộc nhóm 20 địa phương đứng cuối cả nước bao gồm: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Chi phí gia nhập thị trường; Chi cho khoa học và công nghệ/GRDP (%); Tính năng động của chính quyền địa phương; Quản trị môi trường; Chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã.

Đổi mới sáng tạo luôn song hành cùng khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa.

Đổi mới sáng tạo luôn song hành cùng khoa học và công nghệ. Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Võ Hưng - Trưởng Ban Chính sách Đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hà Nội cần tiếp tục cải thiện môi trường chính sách, môi trường kinh doanh; tăng cường chi cho khoa học và công nghệ từ ngân sách địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh phổ thông tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật; tập trung cải thiện môi trường sinh thái. Bên cạnh đó tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ đăng kí doanh nghiệp khoa học và công nghệ; khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện kết quả sản xuất - kinh doanh, chỉ số sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lao động trong địa phương, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Thực tế, đổi mới sáng tạo luôn song hành cùng khoa học và công nghệ, giữ vai trò là động lực, là một trong những đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, Hà Nội đứng nhất cả nước về đổi mới sáng tạo nhưng so với các trung tâm khác ở khu vực và thế giới, vị trí của Hà Nội còn rất xa. Câu chuyện của Hà Nội có lẽ không chỉ là câu chuyện của địa phương, mà phải là câu chuyện quốc tế. Hà Nội cần tiếp tục cải thiện để có thể cạnh tranh với các trung tâm đô thị khác ở khu vực và thế giới trong việc hấp thụ nguồn đầu tư, hấp thụ nhân tài.

Hà Nội ưu tiên mọi nguồn lực, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện

"Hành động thiết thực - ưu tiên mọi nguồn lực cho trẻ em" là chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 vừa được UBND thành phố Hà Nội phát động. Sau lễ phát động, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động Vì trẻ em. 27/30 quận, huyện, thị xã tổ chức lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em, ba quận, huyện còn lại tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch Tháng hành động Vì trẻ em gắn với trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Minh chứng rõ nét cho chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” chính là việc Thủ đô luôn có các chính sách đặc thù, hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể, các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được miễn giảm học phí, nhận quà nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu. Các em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ học phí. Một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách đặc thù.

Hà Nội ưu tiên mọi nguồn lực, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh minh họa.

Hà Nội ưu tiên mọi nguồn lực, bảo đảm trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh minh họa.

Đơn cử, năm 2024 là năm đầu tiên trẻ em khuyết tật nhẹ của thành phố được hưởng hỗ trợ gồm cấp thẻ bảo hiểm y tế (với trẻ từ 6 tuổi trở lên) và trợ cấp hằng tháng. Các quận, huyện, thị xã đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng cho trẻ em bị khuyết tật nhẹ. Cùng với đó, công tác hỗ trợ trong các trường hợp trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích cũng được các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Năm 2023, chỉ tính riêng Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã vận động được hơn 13,3 tỷ đồng và hỗ trợ cho hơn 10.200 lượt trẻ em. 30/30 quận, huyện, thị xã có điểm vui chơi công cộng cho trẻ em; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, thành phố và các đơn vị cũng tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa khu vui chơi, giải trí tại cộng đồng và mua sắm các trang thiết bị vui chơi nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, tinh thần.

Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Trang bị kỹ năng để trẻ có thể thoát hiểm khi ô tô bị khóa

Có một số nguyên tắc khá đơn giản mà các học sinh thậm chí các bé mẫu giáo hoàn toàn có thể được dạy và thực hiện trong trường hợp không may bị bỏ quên trên xe ô tô, xe đưa đón.

Trước tiên, trẻ cần được rèn kỹ năng giữ bình tĩnh. Khi thấy bị nhốt trong xe ô tô, trẻ rất dễ hoảng loạn. Đây là phản ứng tự nhiên ngay cả với người lớn, do đó cần giúp trẻ luyện tập các kỹ năng thoát hiểm thuần thục, xem nhiều hình ảnh minh họa để giữ được bình tĩnh trong các tình huống khẩn cấp.

Các biểu tượng nút bấm mở khóa và đóng khóa tại ghế tài xế mà trẻ em có thể tìm kiếm.Ảnh: fordservicecontent.com.

Các biểu tượng nút bấm mở khóa và đóng khóa tại ghế tài xế mà trẻ em có thể tìm kiếm.Ảnh: fordservicecontent.com.

Thứ hai, tùy thực tế từng dòng xe, hãy chỉ cho trẻ nhỏ thấy nút mở cửa (thường có hình ổ khóa mở và ổ khóa đóng) ở bên hông ghế của tài xế hoặc nút màu đỏ ngay trên tay nắm các cửa. Chỉ cần bấm vào nút hình ổ khóa mở hoặc nút màu đỏ (nếu cửa xe không ở chế độ khóa trẻ em), rồi kéo tay cầm cửa hướng ra ngoài và đẩy ra là mở được cửa.

Thứ ba, theo thiết kế an toàn của nhà sản xuất, còi xe luôn luôn hoạt động ngay cả trong tình trạng ô tô tắt máy, khóa cửa từ bên ngoài. Do đó, hãy dạy trẻ nhỏ cách bấm còi trên vô lăng liên tục như một cách ra tín hiệu cần trợ giúp. Nếu trẻ còn quá nhỏ, lực tay yếu, có thể hướng dẫn trẻ quay lưng lại, ngồi lên vị trí chính giữa vô lăng để nhấn còi.

Hướng dẫn con cách bấm còi xe ô tô. Ảnh: depositphotos.

Hướng dẫn con cách bấm còi xe ô tô. Ảnh: depositphotos.

Thứ tư, hãy chỉ cho trẻ biết vị trí nút bật đèn khẩn cấp hình tam giác màu đỏ trên bảng điều khiển của xe. Khi ô tô bật đèn khẩn cấp sẽ thu hút sự chú ý của người xung quanh.

Cuối cùng, hãy hướng dẫn trẻ cách đập vỡ cửa kính bằng bất kỳ vật gì có đầu cứng nhọn, như kìm, tuốc-nơ-vít. Tốt nhất, hãy trang bị trong xe một chiếc búa chuyên dụng và để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy. Nên phá cửa kính bên hoặc kính sau, vì kính lái luôn an toàn nhất với nhiều lớp kết dính bằng keo chuyên dụng, nên khó đập vỡ nhất.

Bấm đèn hazard để thu hút sự chú ý từ xung quanh. Ảnh: CARANDBIKE.

Bấm đèn hazard để thu hút sự chú ý từ xung quanh. Ảnh: CARANDBIKE.

Dù trang bị kỹ năng đầy đủ cho trẻ hay có một quy trình chặt chẽ như thế nào thì vai trò quan sát của người lớn trước khi rời khỏi xe là quan trọng nhất. Trong các xe đưa đón học sinh, các tài xế hoặc bảo mẫu đi cùng các em nên dành thêm khoảng vài phút kiểm tra thật kỹ các ghế ngồi cũng như đối chiếu lại số lượng các em trước và sau khi xuống xe để tránh trường hợp các em chưa xuống xe do ngủ quên. Những việc làm đơn giản nhưng có tâm của người lớn rất có thể sẽ cứu sống được cả sinh mạng của trẻ!

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-lot-top-200-thanh-pho-doi-moi-sang-tao-toan-cau-ha-noi-tin-moi-chieu-241010.htm