Hà Nội: Lượng hóa biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cán bộ để xử lý
Tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/6, góp ý về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP, các đại biểu cho rằng, Chỉ thị cần lượng hóa gắn với những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức để xử lý.
Tại Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu về Báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Theo đó, về Dự thảo báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các ý kiến đánh giá cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đổi mới phong cách quản lý, điều hành của TP Hà Nội.
Các đại biểu nêu các kiến nghị cụ thể về công tác luân chuyển cán bộ, việc khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu 50% Bí thư, Chủ tịch UBND xã không phải người địa phương.
Góp ý về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết và thời điểm ban hành.
Các ý kiến cho rằng, Chỉ thị không chỉ mang tính hiệu triệu mà phải gắn với chế tài cụ thể, nghiêm minh.
Đặc biệt, các ý kiến đề nghị cần lượng hóa gắn với những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức để xử lý. Tại Hội nghị, 100% các đại biểu có mặt đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII.
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.
Theo đó, Bí thư Hà Nội nêu rõ, thời gian qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của TP tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả, tạo được sự chuyển biến rất tích cực, toàn diện trên các mặt công tác xây dựng Đảng, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, tư tưởng, niềm tin của nhân dân.
Qua đó, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của Thủ đô, được cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đánh giá cao.
Công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng, là một trong các khâu đột phá, đúng với vị trí, vai trò là “then chốt của then chốt”. Các nội dung thường xuyên, trọng tâm trong công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện.
“Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hoạt động của Ban Chỉ đạo từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả; bước đầu có kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị mỗi thành ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của TP cần tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.
Tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Báo cáo dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại Hội nghị, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, với sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, đơn vị, sự chỉ đạo sát sao của TP, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đã được triển khai khá hiệu quả, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Sau gần 9 tháng triển khai, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 80%. Đến nay, công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành và đang xin ý kiến UBND TP, trình Thường trực Thành ủy xem xét, quyết định. Dự kiến, TP Hà Nội sẽ khởi công đồng loạt 4 gói thầu phục vụ dự án vào ngày 25/6 tới.
Nhấn mạnh đây là dự án đầu tiên tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, nhờ đó giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ông Nguyễn Chí Cường đề nghị TP Hà Nội xem xét chủ trương cho phép tách riêng công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.