Hà Nội lý giải nhiều khu vực cứ mưa lớn là ngập sâu
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước ở khu vực phía Tây TP Hà Nội như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Do vậy mà hệ thống thoát nước chưa đảm bảo cho khu vực phía Tây TP mỗi khi mưa lớn.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp suy yếu từ bão số 2, từ chiều qua đến sáng nay (11-12/8) trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 130 - 230mm. Trong đó có những khu vực lượng mưa lên đến 260,6mm như ở huyện Thường Tín, còn các quận nội thành như Hoàng Mai là 236,7mm, Hoàn Kiếm là 129,6mm, Thanh Xuân 179,5mm, Nam Từ Liêm và Hà Đông đều gần 220mm.
Theo ghi nhận của phóng viên, do lượng mưa lớn, sáng nay nhiều tuyến phố trong các quận nội thành của Hà Nội bị ngập nặng, ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống người dân. Người điều khiển phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn khi đi qua các tuyến phố như Thụy Khuê, Bùi Xương Trạch, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Nguyễn Tuân…
Do mực nước sông Cầu Bây dâng cao (tại đập Trại Lợn là 4,02m) nên khu vực quận Long Biên xuất hiện úng ngập tại khu vực Đàm Quang Trung - Cổ Linh, Nam Đuống, Hoa Lâm, gầm cầu chui xe lửa phố Thiên Đức…
Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Hoài Minh - TGĐ Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đến thời điểm này lượng mưa trong khu vực nội thành là 255mm. Mưa như vậy là vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống.
Theo ông Phan Hoài Minh, để đề phòng cơn bão số 2, công ty vận hành các trạm bơm để hạ mực nước trên các sông, hồ điều hòa trong các quận nội thành. Do vậy tình hình ngập úng trong nội thành 2 ngày qua đã "đỡ hơn rất nhiều", chỉ ngập úng cục bộ ở một số tuyến phố được dự báo trước.
Trước tình hình mưa lớn vẫn diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội, ông Minh thông tin, công ty đang cho vận hành hết công suất của các trạm bơm trên địa bàn TP. Đặc biệt trong đó là trạm bơm Yên Sở với công suất 90m3/s của 20 tổ máy.
Hệ thống thoát nước trong nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) TP Hà Nội hiện nay đáp ứng được lượng mưa 310mm trong 2 ngày. Còn những khu vực tiêu thoát nước ra sông Nhuệ như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và Hoài Đức… phụ thuộc vào việc tiêu thoát nước của trạm bơm Yên Nghĩa.
Tuy nhiên, hệ thống dẫn nước ra trạm bơm Yên Nghĩa chưa hoàn thành nên đợt mưa kéo dài hiện nay đang làm mực nước sông Nhuệ dâng cao (tại Cổ Nhuế là 4,81m, tại Thanh Liệt là 5,22m) nên xuất hiện úng ngập tại các tuyến phố như Trần Bình, Kẻ Vẽ, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu…
Việc hạ mực nước sông Nhuệ phụ thuộc vào trạm bơm Yên Nghĩa với công suất 120m3/s. “Công suất của trạm bơm Yên Nghĩa là rất lớn, đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây TP. Nhưng do kênh La Khê dẫn nước ra sông Đáy chưa hoàn thành nên trạm bơm Yên Nghĩa không thể vận hành hết công suất khi mưa lớn”, ông Phan Hoài Minh cho hay.
Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, do vướng giải phóng mặt bằng nên sau nhiều năm xây dựng kênh dẫn nước La Khê chưa hoàn thành. TP Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, để đến đầu năm 2023 hoàn thành kênh La Khê.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước trên địa bàn TP hiện nay mới chỉ hoàn chỉnh theo quy hoạch ở khu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu, diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ). Thiết kế cường độ mưa là 310mm/2 ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/h đối với các cống.
Hệ thống thoát nước ở khu vực phía Tây TP Hà Nội như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Do vậy, mà hệ thống thoát nước chưa đảm bảo cho khu vực phía Tây TP mỗi khi mưa lớn.