Hà Nội lý giải về khoản thu từ sử dụng đất năm 2023 không đạt kế hoạch
Theo UBND TP. Hà Nội, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố năm 2023 đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có một số khoản thu không đạt, trong đó đáng chú ý là khoản thu từ sử dụng đất do nhiều nguyên nhân khách quan.
Vướng từ công tác xác định giá đất
Theo UBND TP. Hà Nội, trong năm 2023, thành phố đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 26/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính – ngân sách nhà nước.
Đối với công tác thu ngân sách, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, đôn đốc thu hồi nợ thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu ngân sách; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Cùng với đó, thành phố đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã liên quan đến lĩnh vực đất đai góp phần đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất.
Số liệu từ UBND TP. Hà Nội cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn năm 2023 ước thực hiện 400.421 tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20,0% (so với thực hiện năm 2022). Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước thực hiện 23.610 tỷ đồng, đạt 87,4% dự toán, bằng 89,7% so với thực hiện năm 2022; thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 373.096 tỷ đồng, đạt 115,2% dự toán, tăng 22,8%.
Có 11 lĩnh vực, khoản thu đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, còn 7 lĩnh vực, khoản thu dự kiến không đạt dự toán, gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; thu tiền sử dụng đất; tiền thuê mặt đất, mặt nước; thu tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; thuế thu nhập cá nhân; thuế bảo vệ môi trường; lệ phí trước bạ; đặc biệt, khoản thu tiền sử dụng đất ước hết năm đạt 86,2% dự toán (14.650 tỷ đồng/17.000 tỷ đồng dự toán giao).
Theo kế hoạch đầu năm 2023, TP. Hà Nội giao chỉ tiêu nguồn thu từ đất cho các quận, huyện, thị xã là 17.000 tỷ đồng. Trong đó, 11.721 tỷ đồng sử dụng trong kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số khoản thu không đạt dự toán do thị trường bất động sản trầm lắng. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm doanh thu, số thuế phải nộp do không có thêm các dự án mới, sản phẩm mới và sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, do thực hiện các chính sách gia hạn, miễm giảm thuế, phí, tiền thuê đất,… theo quy định của trung ương.
Ngoài ra, công tác tổ chức đấu giá tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất,…"Công tác xác định giá đất gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về chính sách, thủ tục đấu giá đất còn phát sinh thủ tục hành chính (chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2 ha phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội),... dẫn đến nguồn thu từ đấu giá đất (chiếm 60 - 80% tổng thu sử dụng đất) đạt thấp" - ông Hà Minh Hải lý giải.
Nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong đấu giá đất
Ông Hà Minh Hải nhấn mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ thu tiền sử dụng đất, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về đấu giá quyền sử dụng đất; nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong đấu giá quyền sử dụng đất.
UBND TP. Hà Nội xác định nguồn thu từ đất là nguồn lực chính đầu tư của các quận, huyện, thị xã. Do đó, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất...
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt Công điện số 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ có về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24/12/2021 của Bộ Xây dựng về việc đánh giá và rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản...
UBND thành phố cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất đã đủ điều kiện; ưu tiên đấu giá các khu đất tại các vị trí có lợi thế, có giá trị quyền sử dụng đất cao nhằm thúc đẩy tăng thu ngân sách từ đấu giá.
Các quận, huyện, thị xã cần chủ động đề xuất UBND TP. Hà Nội cho phép thực hiện các thủ tục điều chỉnh phương án đấu giá quyền sử dụng đất cho “đối tượng tham gia là tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư” sang “đối tượng tham gia là hộ gia đình, cá nhân” trong trường hợp đã tổ chức đấu giá không thành hoặc mời đấu giá từ 2 lần trở lên nhưng không có người tham gia, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thị trường; sớm đưa đất vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Song song đó, chính quyền các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp với cơ quan thuế hoàn thành việc thu tiền trúng đấu giá; hủy kết quả trúng đấu giá đối với các cá nhân, tổ chức trúng đấu giá không nộp tiền đủ và đúng thời hạn theo quy định.
Được biết, những ngày cuối năm 2023, có 10 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội đang gấp rút tổ chức các phiên đấu giá quyền sử dụng đất; có địa phương đấu giá vào cả Chủ nhật ngày 31/12, với hàng trăm ô đất, dự kiến thu về hàng trăm tỷ đồng.
Các địa phương gồm: Sơn Tây, Thường Tín, Thanh Trì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Tây Hồ và Hoàng Mai. Ngoài đấu giá đất ở, đất ở đô thị và đất để triển khai thực hiện dự án, các địa phương còn tổ chức đấu giá đất nông nghiệp và dự án bãi đỗ xe.
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết về tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng tại 5 khu vực trên địa bàn thành phố và được điều chỉnh tăng so với năm 2023 trung bình tại các quận khoảng gần 17% và tại các huyện khoảng 22%.