Hà Nội lý giải việc không có giáo viên được xét tuyển dụng đặc biệt
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Nguyễn Đình Hoa chiều qua, 1/10, thông tin về việc tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục quận, huyện, thị xã năm 2019 trên địa bàn TP.
Ông Hoa cho biết, Sở Nội vụ đã thẩm định, tổng hợp và trình UBND TP ban hành Quyết định 1076 ngày 7/3/2019, theo đó chỉ tiêu tuyển dụng năm 2019 là 11.182 viên chức (trong đó giáo viên là 10.949 người, nhân viên là 233 người) với hình thức thi tuyển.
Số vị trí việc làm giáo viên THCS hạng III là 3.546 người; vị trí việc làm giáo viên tiểu học, mầm non hạng IV là 7.403 người.
Đến ngày chốt nộp phiếu đăng ký dự tuyển 13/4/2019, tổng số thí sinh đăng ký tuyển dụng là 20.767 người.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, trong quá trình tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển đã có ý kiến phản ánh, kiến nghị của giáo viên hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây nội dung đề nghị chuyển hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang hình thức xét tuyển để không phải thi môn ngoại ngữ, tin học và môn kiến thức chung; đề nghị quan tâm tới những người đã có quá trình giảng dạy hợp đồng lâu năm tại các trường công lập được tuyển dụng đặc cách.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tuyển dụng viên chức giáo viên, Sở Nội vụ đã có công văn 1040 ngày 23/5/2019 xin ý kiến Bộ Nội vụ.
“Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại văn bản số 2267 ngày 23/5/2019, Sở Nội vụ đã trình UBND TP ban hành Quyết định số 3455 ngày 28/6/2019 sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1 và Khoản 1 phần B Kế hoạch ban hành ban kèm theo Quyết định số 1076 ngày 7/3/2019.
Quyết định này giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 161 ngày 29/11/2018 của Chính phủ.
Sau khi rà soát số lượng GBHĐ và thực hiện việc xét tuyển đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn tuyển dụng giáo viên bằng thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định tại Khoản 3, Khoản 2 Điều 2 Nghị định 161 của Chính phủ…
Qua rà soát và báo cáo bằng văn bản của UBND các quận, huyện, thị xã cho thấy, biên chế giáo viên được giao là 80.812 người, số viên chức giáo viên hiện có 68.282 người, số giáo viên còn thiếu 12.530 người.
Theo kết quả rà soát, TP có tổng số 8.394 người đang HĐLĐ làm công tác giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập thuộc 30 quận huyện thị xã.
Trong số đó, số giáo viên có thời gian HĐLĐ dưới 5 năm là 5.664 người, số giáo viên có thời gian HĐLĐ liên tục từ 5 năm trở lên tại 19 quận huyện là 2.730 người, bao gồm hơn 800 giáo viên bậc tiểu học và THCS có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, qua rà soát, UBND các quận, huyện, thị xã đều khẳng định mặc dù các trường hợp giáo viên có HĐLD liên tục từ 5 năm trở lên nhưng đều là lao động hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên, có một số giáo viên dạy hợp đồng ở trường THPT ngoài công lập nhưng lại không đảm bảo yêu cầu của vị trí việc làm.
Do đó, không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161 để được xem xét tuyển dụng đặc biệt vào viên chức.
Vì vậy, căn cứ các quy định của pháp luật về tuyển dụng viên chức và tình hình thực tế nêu trên, ngày 29/8/2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã hợp với UBND, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Giáo dục 30 quận huyện, thị xã và thông báo kết luận số 293 ngày 6/9/2019 về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục.
Theo kế hoạch, việc tuyển dụng sẽ hoàn thành trong tháng 11/2019 đảm bảo đúng yêu cầu chỉ đạo của UBND TP.
Theo ông Hoa, Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 161 của Chính phủ có quy định: “Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:
“Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...”