Hà Nội - Mảnh đất hội tụ Thủy - Nhân - Tài - Lực

Theo GS,TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), cuộc cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, đã đưa Hà Nội lên thành Thủ đô. Kể từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến nay các kinh đô kinh thành Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Ô Diên, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Hà Nội gần như liên tục nối tiếp nhau đều được đặt trên địa bàn Hà Nội, biến Hà Nội thành trung tâm hội tụ, kết tinh, giao lưu, lan tỏa lớn nhất và mạnh nhất các giá trị lịch sử và văn hóa của cả nước.

Vị thế lớn và đặc biệt nhất trong tiến trình lịch sử dân tộc

Hà Nội nằm gọn ở trung tâm châu thổ Sông Hồng, nơi con người tụ cư sớm và đông đúc, nơi chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành cộng đồng người Việt cổ, với sự ra đời của nền văn minh Sông Hồng. Nói về vai trò của sông Hồng với đô thị Hà Nội, GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, sông Hồng là điều kiện tiên quyết, là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, trung tâm của mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội. Từ quy hoạch đô thị cho đến kiến trúc phường phố, chợ búa, thương điếm, bến cảng Kẻ Chợ, các làng nghề, phố nghề, các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, từ các trò chơi dân gian đến các hoạt động cung đình, các kỳ công chống ngoại xâm ở Đông Bộ Đầu, ở Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử… tất cả đều có hình bóng hay sự hóa thân của dòng sông Mẹ - sông Hồng. Đấy là nét đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội cổ truyền.

 Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước. Ảnh: H.T.T.L

Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước. Ảnh: H.T.T.L

Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành - đô thị cổ truyền trên đất Hà Nội. Đến đầu thế kỷ XXI, sông Hồng từng bước khẳng định trở lại vị trí là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô. “Tựa núi, nhìn sông, hướng ra Biển Đông là mô hình thành tạo, là quy luật biến đổi và là định hướng phát triển của Hà Nội ngày xưa, ngày nay và mãi về sau”, GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc nhận định.

Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, theo GS. TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc, thực chất là tiếp nối truyền thống lâu đời của dân tộc từ kinh đô Cổ Loa cho đến kinh đô Vạn Xuân ở vùng đỉnh thứ hai của châu thổ Sông Hồng. Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh gần 8 thế kỷ liên tục là kinh đô, đế đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của kỷ nguyên văn minh Đại Việt rạng rỡ văn trị, võ công, một bước tiến huy hoàng của lịch sử đất nước.

“Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước, là trung tâm và đỉnh cao của cả ba kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam là kỷ nguyên văn minh dựng nước và giữ nước đầu tiên, kỷ nguyên văn minh Đại Việt và kỷ nguyên độc lập tự do tiến lên văn minh hiện đại. Đấy là vị thế lớn nhất và đặc biệt nhất của Hà Nội trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc mà không một đô thị nào hay một kinh thành nào khác của Việt Nam có thể sánh ngang được”, GS. TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.

Hà Nội cũng là trường hợp hy hữu trên thế giới, đúng như đánh giá của UNESCO khi vinh danh Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản thế giới: “Nó là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng và là trung tâm quyền lực chính trị trong suốt 13 thế kỷ cho đến ngày nay... Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".

Phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng người Hà Nội thanh lịch

Hà Nội là không gian lịch sử - văn hóa có lịch sử lâu đời và tập trung cao nhất của toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước. Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.435 di tích di tích đã được xếp hạng các cấp (gồm 1 di sản thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 21 di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia và 1.254 di tích cấp thành phố)...

Hà Nội hiện nay có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó bao gồm 1.206 lễ hội, 3 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản nằm trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, 25 di sản trong danh mục di sản phi vật thể quốc gia.

Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có một khối lượng tư liệu chữ Hán và chữ Nôm hết sức đồ sộ, kết tinh của nền văn hóa bác học và dân gian lớn nhất và lâu đời nhất của cả nước...

 GS,TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu"

GS,TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu"

Theo GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, trên khắp đất nước Việt Nam, không có địa phương nào hội tụ được số lượng rất lớn với các di sản văn hóa tiêu biểu như ở Hà Nội. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá, là nguồn lực hàng đầu cho Hà Nội khai thác xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô.

Khẳng định người Hà Nội là kết tinh văn hóa dân tộc và phẩm chất riêng có của người Kinh kỳ, GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, Hà Nội là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực, cùng với các lớp cư dân bản địa từ thời dựng nước đầu tiên là các lớp cư dân tứ xứ, anh tài bốn phương đổ về. Hầu hết giá trị tinh hoa của dân tộc, của giống nòi đều được hội tụ về đây và lan tỏa từ đây. Những hoàng đế anh minh, những danh tướng thiên tài, những danh nhân kiệt xuất, cho đến những thường dân nếu không được sinh ra ở đây thì cũng chọn nơi đây lập nghiệp và cống hiến.

Họ là những anh hùng dân tộc, các nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất, các danh nhân văn hóa lớn, những người đã đóng góp tài năng, trí tuệ, cuộc đời và sự nghiệp làm rạng rỡ lịch sử và văn hóa Hà Nội.

Họ là những người lao động giỏi “khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”, những nông dân sáng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng của đất Kinh Kỳ, những người sản xuất và buôn bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Tiêu biểu cho những người lao động sáng tạo là tổ sư các nghề, là thợ cả, thợ lành nghề, các nghệ nhân được đời đời ca ngợi.

Thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội trong vai trò hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc và hiện hữu với những tên tuổi các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, những người lao động tài giỏi và thành công trên tất cả lĩnh vực đã kết quyện và định hình thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng và truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.

Đó là tinh thần yêu nước và ý chí tự lập, tự cường; truyền thống đoàn kết và tinh thần nhân ái, hòa hiếu, bao dung; truyền thống lao động sáng tạo; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống văn minh thanh lịch trong cuộc sống và trong ứng xử…

 Hà Nội - Mảnh đất hội tụ Thủy - Nhân - Tài - Lực. (Ảnh: Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện tại Hà Nội năm 2024)

Hà Nội - Mảnh đất hội tụ Thủy - Nhân - Tài - Lực. (Ảnh: Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện tại Hà Nội năm 2024)

Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ha-noi-manh-dat-hoi-tu-thuy-nhan-tai-luc-post392548.html