Hà Nội mạnh tay quyết thu hồi dự án chây ỳ 'ôm đất' bỏ hoang
UBND TP yêu cầu cơ bản đến hết quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
Đây là một trong những nội dung được nêu trong Kế hoạch số 160 của UBND TP Hà Nội về thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nêu rõ, cùng với triển khai thực hiện các văn bản của thành phố về nội dung trên, các cấp, các ngành của Thành phố cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao công tác giám sát, đánh giá đầu tư; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố; kiên quyết thu hồi dự án kém hiệu quả sử dụng đất nhằm tạo môi trường đầu tư, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…(Ảnh: Khu đất 161 Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) bỏ hoang xanh cỏ trong nhiều năm)
Đặc biệt là thiết lập kỷ cương trong công tác quản lý dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình, rõ kết quả trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai.
Cùng với đó, công khai các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.
UBND TP yêu cầu, công khai, minh bạch rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, biện pháp giải quyết và xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai. Xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…
Về tiến độ thực hiện, UBND TP yêu cầu trong Quý II/2022, tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; Quý III/2022, căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ; cơ bản đến hết Quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai khác, phân loại và đề xuất những biện pháp xử lý cụ thể, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý dứt điểm dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Tháng 3 vừa qua, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Thanh tra thành phố, Cục Thuế thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Trước đó, trả lời cử tri về việc thu hồi dự án ở Mê Linh, UBND TP Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án (gồm: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á). Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.
Theo báo cáo, Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.