Hà Nội: Mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50 -70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 22.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình được đầu tư lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Trên địa bàn TP có gần 10.000ha bưởi, trong đó có hơn 7.000 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên..., với đa dạng các giống bưởi như: Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi Cát Quế. Ngành nông nghiệp Thủ đô đã quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Theo đó, tính đến nay Hà Nội đã có 2 vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu với nhiều tiềm năng.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có 22 cơ sở sản xuất cây ăn quả, chè có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất với diện tích 206,4 ha. Công nghệ chủ yếu là tưới bán tự động, tiết kiệm, tưới nhỏ giọt, ứng dụng các sản phẩm của công nghệ cao (giống nuôi cấy mô, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, phân bón hữu cơ…) vào quá trình sản xuất. TP Hà Nội cũng đã xây dựng được 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị cao, diện tích 15.500ha, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai… với các 4 loại cây chủ lực là bưởi, cam, chuối, nhãn; hiệu quả kinh tế đạt cho thu nhập 300 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Đơn cử, tại vùng nhãn chín muộn xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) với 115ha, ước tính cho sản lượng trung bình 2.500 tấn/năm, đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng. Sản phẩm nhãn tươi của địa phương đã từng được xuất khẩu sang Mỹ, Australia và Maylaysia.
Tại huyện Đan Phượng, hiện nay dòng bưởi Diễn tôm vàng cũng được đánh giá cao về chất lượng thơm ngon, vượt trội. Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm, toàn xã có trên 150 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 45 ha trồng bưởi, cho giá trị khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, vùng bưởi an toàn sinh học của xã Hạ Mỗ đã được dán nhãn QR Code truy xuất nguồn gốc để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội.
Theo Sở NN&PTNT, với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, TP sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời mở rộng diện tích đạt 23.206 ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi... Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50 -70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.
Ngoài ra, để thực hiện việc xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tiến hành tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định.
Phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Khuyến khích áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn. Duy trì, phát triển thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, vừa qua, qua chương trình trao đổi, hợp tác với ngành nông nghiệp Mỹ, nhiều giống bưởi đặc sản của Hà Nội được đánh giá cao bởi chất lượng thơm ngon. Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu, từ đó mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng.