Hà Nội muốn di dời trụ sở cơ quan, trường học không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành trước 2035
Hà Nội cũng đặt mục tiêu trước năm 2035, thành phố hoàn thành việc di dời trụ sở các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi các quận nội đô lịch sử.
Thông tin được UBND TP Hà Nội cho biết tại báo cáo giải trình các nội dung được thẩm tra tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết về nội dung này vừa được thông qua tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội ngày 29/3.
Làm rõ một số nội dung theo ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị, HĐND TP về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, quy hoạch đặt ra 4 khâu đột phá, trong đó có đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Cụ thể, về hạ tầng, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; có cơ chế đủ mạnh, hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, cho các tuyến đường sắt đô thị, nhất là dưới hình thức đối tác công tư (PPP), khai thác nguồn lực đất đai từ mô hình TOD...
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, hoàn thành xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống giao thông công cộng; có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, tập trung triển khai hoàn thành sớm các tuyến kết nối nội đô lịch sử với sân bay quốc tế Nội Bài, với khu công nghệ cao Hòa Lạc...
Thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, các cầu trên vành đai 4,5… Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
Về môi trường, đô thị và cảnh quan, thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải tạo, chỉnh trang, khai thác các khu phố cổ, phố cũ; cải tạo tổng thể khu chung cư cũ và nhà ở thấp tầng phát triển không theo quy hoạch trong khu vực theo mô hình TOD. Từ đó tạo lập các khu đô thị mới văn minh, hiện đại.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu trước năm 2035, thành phố hoàn thành việc di dời trụ sở các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi các quận nội đô lịch sử. Từ đó tạo quỹ đất cho phát triển không gian công cộng, văn hóa, đổi mới sáng tạo, bổ sung hệ thống trường học.
Cùng với kế hoạch làm sống lại các dòng sông, Hà Nội cho biết sẽ bảo vệ nghiêm ngặt không gian mặt nước để cải tạo cảnh quan, điều hòa tiêu thoát nước; kết hợp giải pháp bổ cập nước và giải quyết căn bản tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường nước.
Đáng lưu ý, UBND TP Hà Nội cho biết quy hoạch đề ra nhiệm vụ thực hiện giải pháp đột phá trong khai thác quỹ đất để sông Hồng thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí.