Hà Nội nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống và điều trị thuốc ARV (thuốc kháng virus) cho người nhiễm HIV/AIDS.
Những kết quả đáng ghi nhận
Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm (1990 - 2020) Hà Nội đối phó với dịch HIV/AIDS. Đến nay, TP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Thạc sĩ Tạ Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/10/2020, Hà Nội đã phát hiện 29.931 ca nhiễm HIV qua các năm, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước, là địa phương có số người nhiễm lớn thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh.
Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS là 294 người/100.000 dân, đứng thứ 12 so với cả nước. Số người nhiễm HIV tử vong tích lũy là 6.222 ca. Số người nhiễm HIV còn sống là 23.709, cao nhất tại quận Đống Đa (2.769 người) và thấp nhất tại huyện Quốc Oai (172 người). Trong 10 tháng đầu năm ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV, giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị triển khai bài bản, đồng bộ, ưu tiên cho nhóm quần thể nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Chương trình cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao đã bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã.
Đáng chú ý, 10 tháng năm 2020, toàn TP đã có 6.712 người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm; 2.582 phụ nữ mại dâm được tiếp cận chương trình bao cao su; 5.708 người nam có quan hệ tình dục đồng giới được tiếp cận chương trình bao cao su. Chương trình đã cấp phát 941.649 bơm kim tiêm, 1.477.926 bao cao su cấp miễn phí cho đối tượng nguy cơ cao. Được triển khai từ năm 2009, với cơ sở đầu tiên mở tại quận Nam Từ Liêm, đến nay, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone có 18 cơ sở đang điều trị cho 4.992 bệnh nhân, đạt 76,8% chỉ tiêu TP giao. “Đặc biệt, một đột phá mới trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai tại Hà Nội từ 2018 đến nay đã có 2.026 người đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)”- thạc sĩ Tạ Thị Hồng Hạnh cho hay.
Thời gian qua, công tác xét nghiệm phát hiện ca nhiễm HIV ngày càng được cải tiến về kỹ thuật và mở rộng quy mô. Các cơ sở có chức năng xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV được thành lập ở nhiều địa phương với 73 phòng xét nghiệm sàng lọc đang hoạt động. Ngoài ra, Hà Nội có 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV (6 bệnh viện và 5 trung tâm y tế quận, huyện). Nhờ đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng TP đã xét nghiệm HIV cho 368.036 trường hợp.
Thay đổi suy nghĩ của cộng đồng
Công tác chăm sóc, điều trị cho người có HIV/AIDS cũng được Hà Nội dành sự quan tâm đặc biệt. Chương trình điều trị ARV được triển khai từ năm 2004 đến nay có 23 cơ sở điều trị ARV, đã điều trị cho 14.583 bệnh nhân. 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS được giám sát hỗ trợ kỹ thuật về điều trị, được duy trì đủ thuốc kháng virus HIV. 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn sống được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Số bệnh nhân điều trị ARV tăng qua các năm. Nếu như năm 2008 có 852 bệnh nhân thì đến hết tháng 10/2020 có 14.583 người. Nhờ điều trị ARV, 97,6% người bệnh được xét nghiệm có tải lượng virus dưới 1.000cp/ml máu và 94% bệnh nhân HIV/AIDS không có khả năng lây cho người khác qua quan hệ tình dục.
Theo thạc sĩ Tạ Thị Hồng Hạnh, ban đầu, nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ra hoài nghi nhưng sau khi mẫu kết quả được gửi sang Canada để xác nhận tham chiếu thì tất cả đều thừa nhận. Đáng chú ý, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được giảm xuống mức rất thấp nhờ điều trị ARV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Việt Nam năm 2010 khoảng 10%, nay đã giảm còn khoảng 2%. Tỷ lệ này ở Hà Nội còn thấp hơn, trong 5 năm qua, hơn 1.000 bà mẹ nhiễm HIV sinh con nhưng chỉ có 4 trẻ được sinh ra bị nhiễm virus này. Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh điều trị ARV, tỷ lệ lây nhiễm HIV ở người nghiện ma túy cũng giảm từ 80% xuống còn khoảng 10%.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, theo tính toán, với các biện pháp tổng hợp, đặc biệt là điều trị ARV, Hà Nội cùng với cả nước đã tránh cho khoảng nửa triệu người bị nhiễm virus này và ngăn khoảng 200.000 ca tử vong do HIV/AIDS trong vòng 15 năm qua. Các biện pháp phòng, chống hiệu quả khiến dịch HIV/AIDS không còn đáng sợ như trước. Bằng chứng là người đầu tiên ở Việt Nam bị nhiễm HIV/AIDS đến nay vẫn còn sống và không có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng. “Thực tế đã xảy ra nhiều tình huống truyền thông HIV/AIDS sai khiến nhiều người vẫn nghĩ HIV/AIDS như một “con ngáo ộp”. Với khả năng khống chế hiệu quả đối với dịch bệnh này, đặc biệt là thuốc ARV, cộng đồng cần thay đổi cách suy nghĩ để cùng hướng tới mục tiêu khống chế dịch bệnh này vào năm 2030”- bà Lã Thị Lan nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90. Nghĩa là 90% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người chẩn đoán HIV được điều trị bằng ARV, 90% người nhiễm HIV điều trị bằng ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tăng cường thu dung bệnh nhân đạt công năng tối thiểu 250 bệnh nhân/cơ sở, phấn đấu cho 6.500 người nghiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn TP Hà Nội…
"Để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu phù hợp với tình hình của địa phương với các giải pháp, hoạt động cụ thể. Đảm bảo 100% người nhiễm HIV sinh sống trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và tham gia điều trị ARV bằng thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng cũng như mở rộng độ bao phủ các dịch vụ, nâng chất lượng của dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân." - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh
Từ năm 2019, thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm được chuyển giao dần từ miễn phí sang thực hiện thanh toán qua nguồn BHYT. Hà Nội đã mở rộng độ bao phủ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT từ 62% vào cuối năm 2016 lên 80,2% ở thời điểm ngày 31/10/2020.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-hivaids-403717.html