Hà Nội: Nâng cao hiệu quả quản lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật
Thời gian qua, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) trên địa bàn Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội và kỷ cương trên các lĩnh vực, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển KT-XH…
Những kết quả đạt được
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội, 6 tháng đầu năm UBND TP đã ban hành 2 văn bản về kiểm tra thi hành pháp luật XLVPHC lĩnh vực đất đai, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn TP. Tổ chức kiểm tra 15 đơn vị về thi hành pháp luật về XLVPHC lĩnh vực đất đai và kinh doanh dịch vụ văn hóa tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP;
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về xử phạt VPHC cho gần 1.000 cán bộ, công chức được giao thiết lập hồ sơ xử phạt VPHC và người có thẩm quyền xử phạt trên địa bàn TP; xây dựng báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC năm 2022 đảm bảo thời gian và chất lượng gửi Bộ Tư pháp.
UBND TP chỉ đạo Sở Tư pháp cho ý kiến pháp lý việc thiết lập hồ sơ XLVPHC mộ số vụ việc phức tạp như: Di dời, tháo dỡ các phương tiện ra khỏi Hồ Tây; xử phạt đối với hành vi đốt rơm rạ trên địa bàn TP; xử lý công trình xây dựng vi phạm tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ.
Công tác TDTHPL: UBND TP đã ban hành 3 văn bản thực hiện. Báo cáo tổng kết 5 năm triển khai, thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Báo cáo tổng kết 5 thực hiện Đề án “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 - 2022 trên địa bàn TP;
Tổ chức tập huấn công tác TDTHPL cho gần 400 cán bộ làm công tác TDTHPL của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP; thành lập đoàn điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật năm 2023. Ngoài ra, TP còn chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện giải quyết dứt điểm một số vụ việc áp dụng pháp luật phức tạp, kéo dài, góp ý VBQPPL theo đề nghị của cơ quan Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, UBND TP đã ban hành 6 văn bản để triển khai, trong đó xác định 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành, thực hiện 22 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, việc tổ chức triển khai các quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (có hiệu lực 01/1/2022) và các Nghị định hướng dẫn thi hành còn có nhiều khó khăn vướng mắc từ thực tiễn thi hành điển hình như:
Theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định thời hạn lập biên bản VPHC “2 ngày”, “3 ngày”, “5 ngày” làm việc, kể từ khi phát hiện VPHC. Theo quy định trên thì thời hạn lập biên bản VPHC tùy từng trường hợp nhưng tối đa là “5 ngày làm việc kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm”.
Tuy nhiên, ở Hà Nội hiện nay có các trường hợp phát hiện hành vi VPHC trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhưng đoàn thanh tra, kiểm tra chưa lập biên bản VPHC mà đưa vào kết luận thanh tra, kiểm tra và đề nghị cơ quan nơi phát sinh hành vi vi phạm lập biên bản VPHC và xử phạt hành chính. Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời hạn lập biên bản VPHC được tính như thế nào?
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có nhiều hộ gia đình được sử dụng đất nông nghiệp ở nhiều vi trí khác nhau, nhưng cùng một thời điểm người sử dụng đất thực hiện hành vi “Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp” tại nhiều vị trí khác nhau. Đề nghị, Bộ Tư pháp hướng dẫn trong trường hợp này xác định đối tượng vi phạm nhiều lần và ra 1 quyết định xử phạt VPHC với tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần hay từng vị trí vi phạm ra 1 quyết định xử phạt VPHC.
Theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP có 8 biểu mẫu ban hành quyết định cưỡng chế tương ứng với từng trường hợp. Tuy nhiên, trong biểu mẫu cưỡng chế có nội dung thi hành phần phạt tiền yêu cầu phải ghi rõ thông tin liên quan đến tiền hoặc tài sản tương ứng với số tiền phạt nhưng thực tiễn có những trường hợp vi phạm vừa bị phạt tiền, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng xác minh thông tin đối tượng vi phạm không có lương, không có thu nhập, không có tiền trong tài khoản, không có tài sản, không thuộc đối tượng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt VPHC. Đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng biểu mẫu trong trường hợp trên.
Công tác TDTHPL chưa có quy định từ góc độ văn bản pháp quy của cơ quan Trung ương mang tính chất đột phá, cụ thể rõ ràng hơn vai trò của cơ quan Tư pháp và các cơ quan có trách nhiệm liên quan, do vậy việc triển khai hiệu quả còn hạn chế nhất định.
Về triển khai tình hình nâng cao điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ (chỉ số B1) là một nhiệm vụ mới, phạm vi rộng, nội dung triển khai chưa có quy định cụ thể rõ ràng nên thực tiễn triển khai gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng khung pháp lý cụ thể làm cơ sở triển khai trong thực tiễn.