Hà Nội nâng chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5% lên trên 8%
Ngày 25/2, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: VGP
Theo Nghị quyết, năm 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu GRDP tăng 8% trở lên. Trong đó, dịch vụ tăng 8,6% trở lên; công nghiệp tăng 7% trở lên; xây dựng tăng 8,9% trở lên; nông nghiệp tăng 3,1% trở lên; thuế sản phẩm tăng 5,7% trở lên.
TP Hà Nội phấn đấu GRDP/người đạt 175 triệu đồng; tổng vốn đầu tư xã hội 622,7 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 7%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 5% năm 2025.
Tại phần thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, tại Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 10/12/2024, HĐND thành phố đã thống nhất thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5% trở lên. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
"Việc UBND TP Hà Nội trình điều chỉnh nâng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5% lên tối thiểu 8% với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bổ sung là thể hiện quyết tâm, nỗ lực của thành phố trong thực hiện nhiệm vụ mà Trung ương đã giao," bà Phùng Thị Hồng Hà khẳng định.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025
Tại hội nghị, HĐND TP Hà Nội cũng thống nhất với tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách thủ tục hành chính. Bảo đảm tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024; xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Cùng với đó, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để trong từng ngành, lĩnh vực.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách.
HĐND thành phố cũng tán thành về việc phát huy tối đa và làm mới các động lực truyền thống. Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 như hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố; tuyến đường Tây Thăng Long từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng và dự án thành phần 1 của Dự án Vành đai 4.
TP Hà Nội tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân, các ngành công nghiệp có thế mạnh. Cụ thể, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phấn đấu số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trên 2%.
Về thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến thị trường và hàng rào thuế quan của các quốc gia, nhất là chính sách thương mại của Mỹ trong bối cảnh hiện nay; xây dựng các kịch bản thích ứng kịp thời các tình huống, tận dụng các yếu tố thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực
Đặc biệt, thành phố cũng sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, tập trung mở rộng không gian phát triển như chuẩn bị đầu tư hạ tầng để từng bước hình thành Thành phố phía Tây; thành phố phía Bắc sông Hồng; đẩy nhanh tiến độ Đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Quốc lộ 6; Trục tây Thăng Long.
Đồng thời, chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực gồm Trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục phía Nam.
Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển các mô hình tăng trưởng mới.