Hà Nội: Người dân Bát Tràng 'gồng mình' chống chọi với ảnh hưởng của bão Yagi

Trước những ảnh hưởng do nước sông dâng cao, người dân và chính quyền địa phương xã Bát Tràng đang nỗ lực chung tay, cùng phối hợp ứng phó chống bão lũ, để có thể sớm trở lại nhịp sống thường ngày.

Nước sông dâng cao làm ngập khoảng sân trống trước khu vực Miếu bản làng Giang Cao (thôn 2, xã Bát Tràng, Hà Nội). (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Nước sông dâng cao làm ngập khoảng sân trống trước khu vực Miếu bản làng Giang Cao (thôn 2, xã Bát Tràng, Hà Nội). (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc khiến mực nước sông Hồng dâng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân.

Trong đó, những người dân đang sinh sống tại khu vực ven sông Hồng ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang phải gồng mình chống chọi với những ảnh hưởng của mưa lũ, do hoàn lưu bão và nước sông dâng cao.

"Mỗi giờ mất một bậc thang"

"Từ đêm hôm qua đến trưa hôm nay, nước sông đã dâng lên làm mất 9 bậc thang (trên tổng khoảng 15 bậc) ở khu vực bờ sông trước cửa đình làng. Trong khoảng 10 năm qua, tôi chưa từng thấy mực nước sông ở đây dâng lên mức như vậy," vừa xắn ống quần để lội xuống bờ sông (nước đến đầu gối), chị Nguyễn Thị Ngoan, người dân sống tại số nhà 38, thôn 1, làng cổ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vừa chia sẻ với phóng viên.

 Nước sông ngập gần đến bờ tại khu vực Bát Tràng. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Nước sông ngập gần đến bờ tại khu vực Bát Tràng. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đến khoảng 12 giờ trưa 10/9, mực nước sông tại khu vực trước cửa Đình làng Bát Tràng (thôn 1, làng cổ Bát Tràng) chỉ còn cách bờ vỏn vẹn 4 bậc thang (mỗi bậc cao 20cm).

Tại khu vực Miếu bản làng Giang Cao (thôn 2, xã Bát Tràng), mực nước sông cũng dâng cao che lấp khoảng sân trống (cao gần 2m) trước khu vực Miếu. Để ứng phó, nhiều người dân đã chuẩn bị các phương án "chạy lũ."

"Hiện cũng chưa biết khi nào nước sông mới ngừng lên, nên tôi và vợ con đã chuẩn bị đồ đạc để tạm 'sơ tán' qua nhà ông bà ở vài hôm, cho đến khi nước sông rút," anh Hồng Nhật, người dân sống tại thôn 2, xã Bát Tràng vừa chia sẻ đồng thời không quên nhắc các con không lội xuống khu vực sân Miếu đã bị ngập.

 Nước sông dâng cao gần 2m, che lấp khoảng sân trước vọng ngắm sông. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Nước sông dâng cao gần 2m, che lấp khoảng sân trước vọng ngắm sông. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Theo thông tin từ người dân sống tại khu vực cung cấp, trong 4 ngày (từ 7/9) chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhà ở của một số hộ dân (đa phần là các hộ sản xuất gốm tại nhà) đã bị tốc mái, đổ tường, có hộ đã bị cây đổ vào nhà nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Luân phiên canh gác mực nước sông

Trước những diễn biến khó lường từ ảnh hưởng do hoàn lưu bão và nước sông dâng cao, chính quyền địa phương và người dân sinh sống tại khu vực ven sông xã Bát Tràng đã chủ động phối hợp, sẵn sàng lên kế hoạch ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

"Ban chỉ đạo xã, thôn và các tổ dân phố đã tiến hành rào chắn đoạn đường mới làm - khu vực xung yếu ở ven sông - nơi mới có sự cố sụt lún nhẹ, yêu cầu không cho các ôtô đi qua nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ sản xuất tại đây. Các đơn vị cũng bố trí nhân sự thường xuyên túc trực dọc tuyến đường ven sông, cắt tỉa các cành cây và nhắc nhở bà con chú ý đi lại," ông Trần Văn Long, Trưởng thôn Thôn 1, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.

 Chính quyền xã, thôn Bát Tràng lắp đặt rào chắn tại các khu vực xung yếu, không cho xe quá tải trọng đi qua. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Chính quyền xã, thôn Bát Tràng lắp đặt rào chắn tại các khu vực xung yếu, không cho xe quá tải trọng đi qua. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Cũng theo ông Trần Văn Long, các thôn đã bố trí những tổ canh gác luân phiên nhau túc trực ở tuyến đường dọc ven sông, gồm thành viên của các Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ... mỗi đội một người. Các ca trực chủ động thay đổi linh hoạt sau mỗi 4-6 tiếng, mỗi ca có khoảng từ 4-8 người tùy từng trường hợp.

Để công tác phòng chống ngập lụt được phối hợp đồng bộ và hiệu quả, các hộ dân sản xuất ở ven sông cũng chủ động dọn đồ, vận chuyển hàng hóa và sản phẩm khỏi khu vực ven sông để bảo đảm an toàn.

 Các hộ sản xuất ở khu vực ven sông xã Bát Tràng chủ động dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc nhằm tránh ngập lụt. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Các hộ sản xuất ở khu vực ven sông xã Bát Tràng chủ động dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc nhằm tránh ngập lụt. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

"Đến hôm qua vẫn còn có thể phủ bạt, che tôn, tuy nhiên đến hôm nay nước sông đã che lấp thêm gần chục bậc thang nên tôi và các thợ phải bắt đầu dọn dẹp, di chuyển các dụng cụ làm gốm như khuôn thạch cao, bàn xoay... cũng như các thiết bị điện lên các tầng cao, chờ đến khi có chỉ đạo của thôn, xã hoặc khi nước rút để an toàn cũng như đảm bảo tiến độ sản xuất," anh Trường, chủ cơ sở sản xuất gốm Trường Linh (thôn 1, làng cổ Bát Tràng, Hà Nội) chia sẻ./.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Lệnh báo động lũ này được đưa ra căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Long Biên hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 là 9,5m (mực nước báo động I là 9,5m).

Trước đó, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến mực nước sông Hồng dâng cao, thậm chí nhiều nơi tại Thủ đô đã diễn ra tình trạng ngập úng, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nguoi-dan-bat-trang-gong-minh-chong-choi-voi-anh-huong-cua-bao-yagi-post975625.vnp