Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, Tết Hàn thực (ngày 3/3 Âm lịch) mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị bánh trôi, bánh chay cùng mâm cỗ để dâng cúng gia tiên.
Mặc dù, Tết Hàn thực năm nay không vào ngày nghỉ nhưng không khí mua sắm bánh trôi, bánh chay tại các cửa hàng và chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn vô cùng sôi động. Thậm chí, tại những nơi bánh bán truyền thống nổi tiếng, khách hàng còn phải xếp hàng chờ tới lượt mua.
Ghi nhận của Báo Công Thương, ngay từ 5h sáng ngày 11/4, rất đông người đứng xếp hàng tại quán số 16 trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mua bánh trôi, bánh chay cúng gia tiên ngày Tết Hàn thực.
Chị Tuyết (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Mặc dù phải chờ rất lâu mới mua được bánh trôi, bánh chay tại quán gia truyền này. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hài lòng khi bản thân có thể dâng lên tổ tiên những chiếc bánh tròn vẹn vào ngày Tết Hàn thực”.
Ông Phạm Xuân Thanh, chủ quán bánh gia truyền ở số 16 Ngô Thì Nhậm nhận định nhu cầu mua bánh của người dân tăng nhẹ so với năm ngoái. Vì vậy, trong 2 ngày trước Tết Hàn thực cửa hàng ông đã bán được 2 tạ bột bánh, dự kiến hôm nay sẽ bán được số lượng bột gấp đôi.
Để phục vụ khách hàng tốt hơn, gia đình ông Thanh đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ đêm và có từ 8 - 10 người thực hiện các công đoạn làm bánh, bán hàng.
Theo kinh nghiệm, để có loại bột ngon nhất, người thợ làm bánh thường ngâm gạo nếp cho nở, trộn với ít muối rồi đem đi xay mịn, đảm bảo mềm dẻo, dễ nặn, luộc không bị nứt. Bánh trôi nặn viên nhỏ, nhân phía trong là đường phên.
Bánh chay nặn tròn dẹt, trong có nhân đỗ. Muốn nhân đậu xanh cho những chiếc bánh thơm bùi hơn, người thợ sẽ chọn loại đỗ tiêu, hạt nhỏ.
Bánh trôi không chỉ mang màu trắng đặc trưng của bột nếp, mà còn làm thủ công từ bột nếp Thái. Nhiều người đã sáng tạo màu bằng cách sử dụng rau củ quả tự nhiên như: Gấc, củ dền, bột nghệ, lá nếp, hoa đậu biếc… để tăng thêm tính hấp dẫn về hình thức.
Bánh trôi, bánh chay được luộc chín trong thời gian ngắn từ 5-7 phút, sau đó sẽ được vớt ra ngâm vào trong chậu nước lạnh.
Bánh trôi khi nguội sẽ được xếp vào đĩa.
Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giá cả của các loại bánh trôi, bánh chay bán sẵn không thay đổi so với ngày thường. Mỗi đĩa bánh trôi có 15 viên nhỏ, bánh trôi trắng có giá 15.000 đồng - 20.000 đồng/đĩa. Bánh trôi ngũ sắc đắt hơn với giá 25.000 đồng - 30.000 đồng/đĩa.
Bánh chay kèm đỗ và nước chè có giá từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/cốc.
Chị Lê Thị Phương Lan, chủ quán bán bánh trôi tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Những ngày gần Tết Hàn thực, tôi đã bán buôn và cả bán lẻ được khoảng gần 4.000 hộp bánh trôi, bánh chay, tương ứng mỗi ngày cửa hàng tôi nặn hết cả tạ bột bánh”. Trừ các khoản vốn, chi phí phát sinh, chị Phương Lan thu về khoảng 17 - 20 triệu đồng tiền lãi vào đợt cao điển Tết Hàn thực.
Tại một số chợ dân sinh, nhiều khách hàng lựa chọn mua set bột bánh về nhà tự làm có giá từ 40.000 đồng - 80.000 đồng/kg, tùy từng loại và màu bột, nhân đỗ xanh dao động từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, riêng nhân đường phên làm sẵn có giá 15.000 đồng/túi…
“Năm nay tôi mua bột về tự làm vì giá nguyên liệu khá rẻ và đảm bảo vệ sinh. Tôi muốn tự tay làm những đĩa bánh dâng lên gia tiên để tỏ lòng thành và giáo dục các con về ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ truyền thống” - Chị Bùi Cẩm Hạnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Bên cạnh hình dáng truyền thống, bánh trôi, bánh chay còn được thiết kế, sáng tạo độc đáo, mới mẻ như hình hoa sen, đài sen, hoa mẫu đơn, hoa cúc, đào tiên…
Mặc dù giá cả khá đắt, mỗi phần dao động từ 80.000 - 150.000 đồng (gấp 2-3 lần so với bánh trôi, bánh chay thông thường), nhưng với hình thức đẹp mắt và ý nghĩa, nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền mua chè trôi nước nghệ thuật để dâng lễ ngày Tết Hàn thực.
Linh Chi