Hà Nội: Người dân tích cực tìm cách bảo vệ đàn gia cầm tại ổ dịch H5N6 ở Chương Mỹ
Sau khi ổ dịch cúm gia cầm H5N6 được phát hiện đầu tiên, đến nay tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã có 4 hộ chăn nuôi phát hiện có nhiễm cúm gia cầm với hơn 6.800 con bị tiêu hủy.
Tiêu hủy hơn 6.800 con gia cầm nhiễm cúm A/H5N6
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, từ ngày 3-2, huyện đã phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, ngay lập tức cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và phát hiện đàn gia cầm dương tính với cúm A/H5N6.
Cụ thể, ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 được phát hiện đầu tiên tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa.
Đến ngày 8-2, tại địa bàn này tiếp tục phát sinh 2 hộ chăn nuôi ngan thương phẩm có ngan ốm chết.
Trong đó, hộ ông Ngô Văn Bình có tổng đàn 970 con ngan thương phẩm 35 ngày tuổi, số con đã chết 270 con. Hộ ông Ngô Văn Hùng có tổng đàn 780 con ngan thương phẩm 35 ngày tuổi, số con ốm 430 con, số chết 270 con.
Ngày 9-2, đàn vịt thương phẩm 2.660 con của hộ ông Nguyễn Văn Chung cũng có biểu hiện ốm, chết. Sau khi nhận được thông tin, ngay lập tức, cơ quan Thú y phối hợp với chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của 3 hộ trên.
Lũy kế từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tới nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã tiêu hủy tổng số 6.800 con gia cầm.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, khi có kết quả xét nghiệm, huyện đã tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy gia cầm gặp bệnh để phòng chống dịch bệnh lây lan. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã cho tiêu hủy hơn 6.800 con gia cầm theo đúng quy định, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh và cho rắc vôi phun phòng dịch tiêu độc khử trùng.
Chốt kiểm dịch trực 24/24
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tại thôn Phú Vinh, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đã lập chốt kiểm dịch tại ổ dịch cúm A/H5N6.
Các phương tiện đi từ trong thôn ra đều phải dừng lại ở "chốt kiểm dịch" để cán bộ Trạm Thú y của địa phương phun thuốc khử trùng. Lực lượng ở chốt kiểm dịch gồm cán bộ thú y và lực lượng Công an xã sẽ chia làm 3 ca ứng trực 24/24. Đường vào thôn cũng được lực lượng chức năng rải vôi bột để phòng dịch lây lan.
Theo thống kê, tổng đàn gia cầm nuôi toàn xã Phú Nghĩa có trên 294.900 con, trong đó gia cầm sinh sản trên 107.500 con, gia cầm thương phẩm có trên 187.300 con. Tại thôn Phú Vinh (thôn có dịch) có trên 71.600 con, trong đó gia cầm sinh sản là 2.656 con, gia cầm thương phẩm là 69.028 con. Việc xuất hiện dịch bệnh khiến các hộ dân chăn nuôi còn lại không khỏi lo lắng.
Ông Ngô Văn Khải (44 tuổi, thôn Phú Vinh), một hộ chăn nuôi chia sẻ, các hộ chăn nuôi ở thôn, xã hiện rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh xảy ra. Hơn 3.000 con vịt của gia đình anh đang được "cách ly" ở khu vực chăn thả bằng lưới bao và chăm sóc đặc biệt nhằm tránh nhiễm dịch bệnh.
“Sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, chính quyền địa phương đã khoanh vùng và thông báo cho người dân được biết để phòng tránh. Đàn vịt của gia đình tôi đã được cán bộ thú y tiêm phòng chống dịch, đồng thời cấp vôi bột để người dân rắc xung quanh khu chăn thả và mỗi ngày đều có cán bộ thú y đi phun thuốc khử trùng xung quanh”, ông Khải cho biết.
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đang tập trung vào phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân sẽ được thực hiện theo quy định của nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6. Đây là bệnh có virus độc lực cao.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút...
Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và có thể gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.