Hà Nội: Nhiều cách làm hay, sáng tạo để ngăn chặn dịch bệnh

Nhằm ngăn chặn nguồn lây lan dịch ra cộng đồng, trong ngày 29-7, nhiều địa phương đã thực hiện cách làm mới, sáng tạo để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh việc lập chốt trực phòng, chống dịch, các quận, huyện, thị xã đã phát phiếu đi đường, phiếu đi chợ, hoặc thành lập các khu dân cư an toàn phòng dịch từ ngõ xóm trở đi; xây dựng các vùng 'xanh' không có dịch... Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tiếp tục kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

UBND quận Long Biên yêu cầu các phường tiến hành kiểm soát việc đi chợ của người dân bằng thẻ vào chợ.

Nhiều cách làm hay

Thực hiện đúng nguyên tắc "khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường", ngày 29-7, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu UBND 11 phường thực hiện phát phiếu "Đi mua hàng và thực hiện các dịch vụ thiết yếu", "Phiếu xác nhận hộ kinh doanh hàng thiết yếu". Các phường thông qua các tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư để kịp thời chuyển các phiếu tới từng hộ dân, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, quận cũng tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên địa bàn, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định "chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết" và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo, Chủ tịch UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, phường đã lập 10 chốt phòng, chống dịch, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thiết yếu được khuyến khích đóng cửa trước 19h và buộc phải đóng cửa trước 23h. Các siêu thị mini không được quá 2 người vào mua 1 lần. Phường Khương Đình đã kiểm tra 26 doanh nghiệp, 9 kho xưởng, 135 cơ sở kinh doanh về việc chấp hành quy định phòng dịch.

Cùng ngày, UBND quận Long Biên cũng yêu cầu các phường tiến hành kiểm soát việc đi chợ của người dân bằng thẻ vào chợ. Đối với địa phương đông dân cư, việc cấp phát thẻ được hoàn thành trong sáng 29-7 và bắt đầu kiểm soát từ 16h cùng ngày. Theo đó, mỗi hộ gia đình được cấp một lần đủ số thẻ đi chợ trong vòng 10 ngày, kể từ 29-7 đến hết ngày 7-8. 50% số hộ của mỗi phường được phát thẻ vào chợ ngày lẻ, 50% số hộ còn lại vào ngày chẵn.

Với phương châm mỗi gia đình, mỗi khu phố là một "pháo đài" phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, tính đến ngày 29-7, quận Ba Đình thiết lập thêm 10 chốt trực phòng, chống dịch, nâng tổng số chốt trực toàn quận lên 96 chốt/14 phường. Những chốt này đều được nghiên cứu đặt tại đầu các nút giao thông tập trung đông dân cư trên địa bàn và được thông báo đến từng người dân để phối hợp cùng lực lượng chức năng.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) kiểm tra, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch trên địa bàn.

Khảo sát tại địa bàn quận Hai Bà Trưng ngày 29-7, để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, UBND phường Vĩnh Tuy đã yêu cầu các hộ buôn bán tại phố Dương Văn Bé và ngõ 57 phố Vĩnh Tuy lắp tấm chắn (bằng nilon hoặc nhựa), căng dây giữ khoảng cách 2m giữa người bán với người mua.

Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn cho biết, phường cũng lập 3 chốt xử lý vi phạm trên phố Minh Khai, Dương Văn Bé và khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy; bố trí lực lượng ứng trực 24/24/7, duy trì công tác kiểm tra, rà soát, nhắc nhở người dân không ra đường khi không có việc thiết yếu.

Chốt trực kiểm soát người ra vào trên địa bàn phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng).

Còn tại huyện Phú Xuyên, huyện đã thành lập các khu dân cư an toàn phòng dịch từ ngõ xóm trở đi; xây dựng các vùng "xanh" không có dịch. Cụ thể, tại các xã, thị trấn trên địa bàn, chỉ có người tại địa phương được tham gia kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thiết yếu, người ở địa phương khác tạm thời không được đến giao thương; các thôn, xóm cũng thực hiện đi chợ luân phiên. Đến nay, toàn huyện Phú Xuyên đã hình thành được 154 cụm, tổ, khu dân cư "xanh" an toàn dịch bệnh.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) có sáng kiến nấu những bữa cơm miễn phí hỗ trợ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ tại 4 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã. Hội đã nhận được sự ủng hộ của nhiều gia đình, các nhà hảo tâm trong xã bằng tiền, hàng hóa... nên 40 suất cơm trưa và chiều mỗi ngày phục vụ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt đều miễn phí.

Công an huyện Đông Anh nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Bên cạnh nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Chủ tịch UBND phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) Kim Thị Thu cho biết, phường bố trí một chốt cố định kiểm soát ra vào tại ngã ba Nguyễn Công Trứ - Đỗ Ngọc Du; 2 tổ phản ứng nhanh cơ động; 1 tổ kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 24-7 đến nay, UBND phường đã xử phạt 9 trường hợp với số tiền 14 triệu đồng.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) lập chốt, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Tương tự, tại địa bàn quận Hoàng Mai, khu vực quanh Bến xe phía Nam không còn hàng quán mở bán. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, phường đã lập 3 chốt kiểm soát dịch, tại đầu ngõ 897 đường Giải Phóng; ngã 5 Kim Đồng và Cầu Trắng - Giải Phóng, đồng thời lập 2 chốt lưu động tuyên truyền, xử lý các điểm phát sinh chợ "cóc". Qua kiểm tra, phường đã xử phạt 5 trường hợp ra đường không cần thiết với số tiền 10 triệu đồng.

Tại địa bàn huyện Phúc Thọ, theo Thượng tá Hoàng Hải, Phó Trưởng Công an huyện, Công an huyện tham mưu cho UBND huyện lập 137 chốt kiểm soát y tế, trong đó 2 chốt cấp huyện, 135 chốt cấp xã (tại 20 xã, thị trấn), đồng thời bố trí 42 tổ tuần tra cơ động. Từ ngày 24-7 đến nay, huyện Phúc Thọ đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Một chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được lập tại xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).

Tại huyện Thanh Trì, từ ngày 24 đến 28-7, huyện đã xử phạt gần 150 trường hợp vi phạm quy định phòng dịch với tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng.

UBND huyện Đông Anh cùng các xã, thị trấn cũng thường xuyên kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ ngày 24 đến 29-7, các lực lượng chức năng đã xử phạt 173 trường hợp với số tiền hơn 425 triệu đồng.

Tại huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Hoài cho biết, huyện thường xuyên duy trì 3 chốt kiểm soát tuyến đường vào huyện; 145 chốt kiểm soát tại các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, kích hoạt 99 tổ Covid-19 cộng đồng để giám sát chặt chẽ 243.717 người dân có mặt trên địa bàn. Đặc biệt, huyện chỉ đạo lực lượng chuyên môn theo dõi mọi di biến động của 44.950 người thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 để có biện pháp ứng phó, kiểm soát kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Từ ngày 24-7 đến nay, huyện Mê Linh đã kiểm tra, xử phạt 6 trường hợp, nhắc nhở, cảnh cáo 82 trường hợp; lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, xử phạt 133 trường hợp, tổng số tiền 217,8 triệu đồng.

Sẽ còn nhiều cách làm hay, sáng tạo, tùy theo tình hình thực tế của các địa phương để phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đó chính là "vũ khí kép" hữu hiệu để nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1007356/ha-noi-nhieu-cach-lam-hay-sang-tao-de-ngan-chan-dich-benh