Công viên Bách Thảo (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) được thành lập năm 1890 có diện tích trên 33 ha. Được coi như lá phổi xanh của Thủ đô, công viên có nhiều cây gỗ quý hiếm với tuổi đời hàng trăm năm cùng các loài thực vật lạ từ nhiều vùng đất trên khắp thế giới.
Theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, hiện trong Công viên Bách Thảo có hơn mười cây xanh cổ thụ như phượng, muồng, bụt mọc, muồng hoa đào, dáng hương ấn,... đã chết khô nhưng chưa được di chuyển hoặc trồng cây mới.
Cây muồng ngủ có chu vi hơn 7,7 m; đường kính hơn 2,4 m; cao 19 m; đường kính tán 23 m với tuổi đời hơn 100 năm nay đã không còn phát triển.
Cảnh báo nguy hiểm, cây khô cành dễ gãy, được đơn vị quản lý dán ở thân cây để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Những cành khô mục ruỗng của cây muồng ngủ được thu gom và xếp gọn gàng phía dưới gốc cây.
Một thân cây cổ thụ khác trong công viên hiện đã chết khô, nứt làm đôi.
Theo thông tin từ Xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3, các cây cổ thụ chết khô là do tuổi thọ cao, già cỗi và sâu bệnh chứ không có yếu tố tác động từ bên ngoài.
Việc nhiều cây cổ thụ chết khô khiến người dân và du khách tới đây không khỏi nuối tiếc.
Thân cây giờ đây trở thành nơi để các loài thực vật khác "tầm gửi".
Cũng theo đại diện xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3, hiện công ty đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng để chuẩn bị tiến hành hạ, di chuyển cây muồng ngủ và các cây cổ thụ khác đến nơi an toàn, trồng thay thế cây khác.
Công viên Bách Thảo hiện không còn đông đúc như trước, người dân chủ yếu đến với công viên vào buổi chiều để tập thể dục, buổi sáng và trưa thì khá vắng vẻ.
Hồ nước trong Công viên Bách Thảo đã cạn trơ đáy, một số khu vực đáy hồ cỏ xanh mọc um tùm. Theo công nhân dọn dẹp vệ sinh tại đây cho biết, nước hồ trong công viên đã cạn cách đây khoảng 2 tháng. Đây là hồ lấy nước hoàn toàn tự nhiên, thời gian qua do ít mưa nên nước hồ cạn kiệt.
Các tác phẩm điêu khắc được thực hiện tại Hội trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 1997 với các chất liệu như gỗ, sắt, gốm, đá,... sau hơn 20 năm trưng bày tại Công viên Bách Thảo đã xuống cấp nghiêm trọng.
Công viên Bách Thảo Hà Nội ngoài các loại cây sẵn có, các nhà khoa học còn sưu tập trồng các giống cây bản địa quý hiếm từ Bắc chí Nam, dẫn giống nhập trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ nhiều vùng trên thế giới. Bị thu hẹp sau khi nhường một phần khá lớn diện tích đất để xây dựng Khu di tích lịch sử Ba Đình, hiện công viên Bách Thảo chỉ còn diện tích trên 10 ha.
Trung Sơn