Hà Nội: Nhiều địa phương chưa có cơ chế thu hút CSGD ngoài công lập xây trường CLC
Các CSGD chất lượng cao đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, song, vẫn bộc lộ một số khó khăn khiến các trường mất dần ưu thế vượt trội.
.t1 { text-align: justify; }
Thực hiện Chương trình công tác năm 2025, Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội (theo Quyết định số 01/QĐBVHXH ngày 11/3/2025). Thay mặt Ban Văn hóa - Xã hội, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban đã ký văn bản ngày 25/6 Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội.
22 trường mầm non, phổ thông chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập
Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội của Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) cho thấy, xây dựng và phát triển trường chất lượng cao là một chủ trương lớn của giáo dục Thủ đô. Mô hình trường chất lượng cao được quy định tại Điều 12 của Luật Thủ đô năm 2012.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện (từ năm 2013 đến nay), toàn thành phố có 22 trường mầm non, phổ thông được công nhận chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập (7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông; 5 trường ngoài công lập (2 trường tiểu học, 3 trường liên cấp); về phân cấp quản lý có 6 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; 16 trường trực thuộc 7 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông (cũ).
06 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Trường Mầm non Việt Triều Hữu nghị, Trường Mầm non B; Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa, Trường Trung học phổ thông Lê Lợi; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm; 16 trường trên địa bàn và trực thuộc 7 quận gồm: Trường Mầm non 20/10, Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm); Trường Mầm non Việt - Bun (Hai Bà Trưng); Trường Mầm non Mai Dịch, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (Cầu Giấy); Trường Mầm non Đô thị Sài Đồng, Trường Mầm non Đô thị Việt Hưng, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (Long Biên); Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm (Nam Từ Liêm); Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hà Đông); Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội (Thanh Xuân).

Ảnh minh họa: Trường Liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao.
Từ năm 2013 đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành 7 Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính và học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản quy định về các tiêu chí cụ thể áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, xác định nhiệm vụ và chỉ tiêu xây dựng, phát triển trường chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Hầu hết các trường chất lượng cao có cơ sở vật chất khang trang, đầu tư trang thiết bị phục vụ phương pháp giáo dục tiên tiến...; phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng đầy đủ và được trang bị thiết bị công nghệ tiên tiến; Hệ thống sân chơi, thư viện, phòng thể chất đạt chuẩn, đảm bảo điều kiện học tập và phát triển toàn diện cho học sinh (Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu có hệ thống phòng chức năng đạt chuẩn cao, thư viện chuẩn mức độ 2, có bể bơi, sân thể thao đa năng…); các trường có quy mô lớp học cơ bản phù hợp, sĩ số ổn định, đáp ứng yêu cầu chương trình chất lượng cao (mầm non dưới 25 trẻ/lớp, tiểu học từ 25-30 học sinh/lớp, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 45 học sinh/lớp).
Công tác tuyển sinh được ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và xét tuyển trực tuyến. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều trường có tỉ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 95-100%; nhiều giáo viên có trình độ thạc sĩ, một số trình độ tiến sĩ. Phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, tích cực, cá nhân hóa, học qua trải nghiệm, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Giáo viên được quan tâm, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học hiện đại như STEAM, Montessori, Cambridge...
Chất lượng học tập tốt, tỉ lệ học sinh giỏi cao, đạt nhiều giải thưởng cấp quận, thành phố, quốc gia; Các chương trình phát triển thể chất, kỹ năng sống, ngoại ngữ, giáo dục STEAM, phát triển tư duy logic được triển khai rộng rãi. Tổ chức tốt các dịch vụ chăm sóc bán trú, nhà trường tổ chức bếp ăn, canteen, phục vụ bữa ăn phụ, bữa trưa trong ngày cho học sinh có nguyện vọng; có tổ chức câu lạc bộ tự chọn ngoài giờ học theo hình thức tự nguyện.
Các trường chất lượng cao luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ, năng lực quản lý và uy tín cao. Công tác quy hoạch cán bộ quản lý (đối với các trường công lập) được thực hiện thường xuyên; hàng năm các trường tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đúng quy định theo hướng dẫn chỉ đạo của các cấp quản lý.
Nhìn chung, các cơ sở giáo dục chất lượng cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nhiều nguyên nhân khiến trường công lập chất lượng cao mất dần ưu thế vượt trội
Bên cạnh kết quả nổi bật trong xây dựng, phát triển mô hình giáo dục chất lượng cao có tính tiên phong, thực tiễn xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn.
Cụ thể, chưa đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra về xây dựng, phát triển trường chất lượng cao. Thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng và công nhận 20 trường chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, song từ năm 2016 đến nay, chỉ có 12/20 trường được công nhận (đạt 60% so với kế hoạch).
Không những vậy, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được trường chất lượng cao theo kế hoạch; chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích, thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập đăng ký, xây dựng mô hình trường chất lượng cao.
Đặc biệt, một số trường công lập chất lượng cao không duy trì được ưu thế, giảm sức hút; trong đó, 7/7 trường mầm non chất lượng cao đều có tỉ lệ tuyển sinh qua các năm thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.
Chính việc không tuyển đủ chỉ tiêu khiến nguồn thu học phí không bảo đảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô triển khai chương trình, việc đầu tư cơ sở vật chất, trả lương đội ngũ và duy trì các hoạt động nâng cao chất lượng. Điều này làm giảm tính bền vững và hiệu quả của mô hình trường chất lượng cao ở bậc học mầm non. Có ý kiến đề xuất không tiếp tục thực hiện mô hình chất lượng cao với cấp mầm non.
Một số trường chất lượng cao có sĩ số học sinh vượt quá quy định (theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND sĩ số đối với cấp tiểu học chất lượng cao không vượt quá 30 học sinh/lớp, tuy nhiên, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2024-2025, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Ngôi sao Hà Nội sĩ số học sinh cấp tiểu học vượt mức quy định (34-35 học sinh/lớp); Trường Tiểu học Tràng An năm học 2021-2022 và 2022-2023 sĩ số vượt quy định (31-32 học sinh/lớp).
Sau khi được đầu tư ban đầu và quá trình hoạt động, đến nay một số trường công lập chất lượng cao cơ sở vật chất xuống cấp, không còn ưu thế nổi trội, thậm chí không đồng bộ, hiện đại so với một số trường công lập đại trà được đầu tư mới. Có trường còn rất hạn chế về diện tích, chưa đảm bảo chuẩn quốc gia. Điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động dạy và học theo yêu cầu nâng cao của mô hình chất lượng cao.
Nhiều trường bố trí số lượng giáo viên đứng lớp thấp hơn so với quy định tại Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (về định mức giáo viên/lớp học), ảnh hưởng đến khả năng tổ chức dạy học cũng như triển khai các hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa (các trường bố trí giáo viên đứng lớp thấp hơn quy định của Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT: 7 trường mầm non công lập chất lượng cao; Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (1,37 giáo viên/lớp); các Trường Trung học cơ sở: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Chu Văn An - Long Biên (bố trí 1,63-1,85 giáo viên/lớp); Trường Trung học phổ thông Lê Lợi - Hà Đông (1,65 giáo viên/lớp)). Một số trường mầm non chất lượng cao chưa bố trí được giáo viên chuyên biệt (tạo hình, âm nhạc, thể chất) đảm bảo theo quy định.
Công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục tại các trường chất lượng cao đang bị ràng buộc bởi một số quy định áp dụng chung cho các trường công lập sử dụng ngân sách nhà nước. Dù có đặc thù riêng về chương trình giảng dạy nâng cao, các trường chất lượng cao vẫn phải tuân thủ định mức chi tiêu, quy trình mua sắm như các đơn vị công lập thông thường, dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn
Hiện nay, trong số 17 trường công lập chất lượng cao, thực hiện theo lộ trình có 16 trường đã chuyển sang mô hình đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (còn Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên) dự kiến đến tháng 8/2025 sẽ thực hiện tự chủ chi thường xuyên).
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 97/2023/NĐ-CP: “Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các trường vẫn triển khai chậm, chưa xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ xác định mức thu học phí cho năm học 2025-2026 và những năm tiếp theo.
Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐ- UBND ngày 24/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về tiêu chí trường chất lượng cao chậm được sửa đổi, bổ sung nên đến nay nhiều tiêu chí của Quyết định đã không còn phù hợp, chưa đồng bộ với Luật Giáo dục 2019 và các Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học hiện đại.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các trường công lập chất lượng cao mất dần ưu thế vượt trội, sự khác biệt so với các cơ sở giáo dục đại trà, nhất là về cơ sở vật chất khi thời gian qua Thành phố tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia đồng bộ, hiện đại.
Quan tâm cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho trường chất lượng cao
Để khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) kiến nghị, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thể chế hóa quy định tại điểm a, khoản 4, điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trong đó quan tâm cơ chế đầu tư ban đầu, đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập chất lượng cao. Xem xét, quy định danh mục trang thiết bị đối với các trường công lập chất lượng cao.
Mặt khác, Ủy ban nhân dân thành phố cần chỉ đạo rà soát hệ thống các trường chất lượng cao hiện nay, xem xét xây dựng đề án phát triển trường chất lượng cao trong thời gian tới.
Trong đó, quan tâm bố trí, phát triển cụm trường chất lượng cao từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên cùng một địa bàn, khu vực nhằm đảm bảo tính liên thông trong giáo dục, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, phân cấp, ủy quyền phù hợp đối với trường chất lượng cao khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thể chế hóa quy định tại khoản 5, Điều 22 Luật Thủ đô 2024 về quy định tiêu chí, quy trình, thủ tục công nhận cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trong đó quan tâm các tiêu chí cụ thể để xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao có ưu thế vượt trội, khác biệt, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Chỉ đạo nghiên cứu, ban hành cơ chế và giải pháp phù hợp để khuyến khích các trường ngoài công lập tham gia xây dựng và phát triển theo mô hình trường chất lượng cao của Luật Thủ đô năm 2024.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Đoàn Giám sát đề nghị, chủ trì xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục chất lượng cao, trong đó trọng tâm là tiếp tục phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, làm căn cứ xây dựng, trình mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2025-2026 và các năm học tiếp theo đảm bảo theo quy định.
Đồng thời, quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của một số trường chất lượng cao. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế cụ thể đối với các trường chất lượng cao về vị trí việc làm, tuyển dụng, tiếp cận các chương trình giáo dục quốc tế tiên tiến, liên kết đào tạo, tuyển sinh…
Rà soát, tổng hợp đề xuất của các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh chính sách về tiền thuê đất, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường công lập chất lượng cao.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường chất lượng cao; tạo điều kiện cho các trường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo duy trì các tiêu chí và chất lượng giáo dục tại các trường chất lượng cao; giám sát việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo tiêu chuẩn chất lượng cao.
Riêng đối với các trường thực hiện mô hình chất lượng cao, phải thực hiện cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức thu học phí áp dụng; công bố công khai mức thu học phí đến toàn thể phụ huynh học sinh, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong việc quản lý và giám sát thu chi học phí; luôn chú trọng không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng giáo dục.
Quan tâm đầu tư, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học… để thực hiện hiệu quả chương trình chất lượng cao của trường.
Rà soát, đảm bảo tiêu chí trường chất lượng cao; tổ chức tự kiểm định và công bố kết quả tự kiểm định theo các tiêu chí cơ sở giáo dục chất lượng cao hàng năm; xây dựng trường học thông minh; đảm bảo môi trường học tập thân thiện, an toàn, khuyến khích sự sáng tạo.
Khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xác định, trình phê duyệt mức thu học phí năm học 2025-2026 và các năm học tiếp theo đảm bảo theo quy định.