Hà Nội: Nhiều hoạt động quay trở lại vào đầu tháng 5
Chiều 27-4, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Quang cảnh cuộc họp.
Dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng không được chủ quan
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong tuần qua, chỉ ghi nhận 2 ca mắc xâm nhập (từ Nhật về Việt Nam). Hiện, cả nước có 270 ca mắc. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày qua không xuất hiện ca mắc mới, vẫn dừng ở con số 112 ca mắc. Hai ổ dịch tại Hà Nội là thôn Hạ Lôi (Mê Linh) và thôn Đông Cứu (Thường Tín) không phát sinh ca mắc mới. Hiện hai địa phương này đang thực hiện cách ly xã hội đúng yêu cầu của Chị thỉ 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình dịch Covid-19 chung trên thế giới và một số nước trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 xâm nhập từ bên ngoài. Tại Việt Nam, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn 2 ổ dịch chưa qua 28 ngày cách ly, mặt khác, tới đây có các chuyến bay đưa người Việt Nam trở về nước. Do vậy, người dân không được chủ quan, lơ là. Cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp, phòng chống dịch, đó là phát hiện kịp thời ca bệnh để cách ly, điều trị và kiểm soát không để phát sinh ca nhiễm mới tại cộng đồng.
Tính đến nay, thành phố còn 422 người đang cách ly tập trung; hơn 4.000 người cách ly, theo dõi tại cộng đồng; 493 người thuộc đối tượng F1. Ngoài ra, thành phố đã lấy được hơn 80.500 mẫu xét nghiệm.
Thông tin thêm về việc kiểm soát các ổ dịch, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đã thực hiện nghiêm túc cách ly đối với thôn Hạ Lôi. Huyện đã tăng cường khâu tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm, trong đó đã thực hiện kiểm tra sức khỏe hơn 1,7 triệu lượt người. Bên cạnh đó, huyện Mê Linh đã xây dựng kịch bản tháo dỡ vùng cách ly, từ nay đến hết mùng 5-5, nếu không phát hiện thêm ca mắc mới, UBND huyện Mê Linh sẽ đề xuất thành phố cho tháo dỡ vùng cách ly đối với thôn Hạ Lôi.
Trong khi đó, UBND huyện Thường Tín cho biết, đã thực hiện rà soát, cách ly các trường hợp liên quan đến hai ca F0 trên địa bàn. UBND huyện Thường Tín đề xuất UBND thành phố hỗ trợ cho người dân trong khi thực hiện cách ly vẫn có thể giao thương hàng hóa.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, huyện Thường Tín và Mê Linh vẫn là địa phương có nguy cơ cao. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg, Thủ tướng cho phép vận chuyển, thực hiện sản xuất nhưng phải bảo đảm việc phòng, chống dịch. Vì thế, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho các chủ hàng ra vào vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm. Tuy nhiên, việc vận chuyện phải bảo đảm đúng quy trình như hướng dẫn của Bộ Y tế (phun khử khuẩn, mặc quần áo bảo hộ...), công nhân tổ chức cách ly tại nhà khi thực hiện sản xuất nhưng vẫn phải bảo đảm khoảng cách, thực hiện bảo hộ an toàn.
Về các chốt kiểm soát tại các vùng cách ly, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, những chốt tại thôn Đông Cứu vẫn được thực hiện nghiêm còn những chốt thuộc khu vực tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thì sẽ dỡ bỏ.
Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, từ ngày 4-5, một số cấp học sẽ đi học trở lại
Tai cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, Sở tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sở đã yêu cầu các nhà trường thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, yêu cầu giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm công tác, phòng chống dịch. Đồng thời, Sở đã phối hợp với các sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng hướng dẫn liên ngành để cho học sinh quay trở lại trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị trường học tiếp tục rà soát, bổ sung thiết bị y tế; xây dựng kịch bản phân vai cụ thể cho ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cha mẹ học sinh để học sinh đi học và về an toàn; thực hiện rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kinh phí.
Thời gian qua, Sở đã có văn bản cho các trường triển khai dạy học trực tuyến, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện 88 chương trình dạy trên truyền hình từ lớp 4 đến lớp 12, bảo đảm kiến thức cho học sinh. Ông Chử Xuân Dũng cho biết, sẽ sớm có văn bản đề xuất UBND thành phố Hà Nội phương án cho học sinh quay trở lại trường học.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi kết luận tại cuộc họp cho biết, trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát thì tinh thần từ ngày 4-5, một số cấp học là các trường Cao đẳng, dạy nghề, phổ thông trung học, phổ thông cơ sở sẽ quay trở lại trường học. Các nhà trường phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế trong trường hợp học sinh quay trở lại trường. Vấn đề này sẽ được thành phố chính thức ra quyết định vào cuộc họp Ban chỉ đạo vào ngày 29-4 tới.
4 nhóm đối tượng được hỗ trợ ngay theo Nghị quyết 42/NQ-CP
Tại cuộc họp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện đã thống kê được 4 nhóm đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay, Sở đã rà soát được hơn 1,4 triệu người. Trong đó đó, 4 nhóm đối tượng có thể thực hiện ngay việc hỗ trợ, gồm: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính đã thống nhất được tờ trình liên ngành và sẽ trình UBND thành phố Hà Nội ngay trong chiều nay (27-4).
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, thành phố sẽ tổ chức hỗ trợ 4 nhóm đối tượng này ngay sau khi có tờ trình của liên ngành. Các quận, huyện, thị xã phải chủ động rà soát, trước mắt tạm ứng ngân sách địa phương để chi trả sau đó báo cáo về thành phố. Hà Nội sẽ ban hành chính sách, trong đó quy định cụ thể nguồn thực hiện. Đối với quận, huyện khó khăn, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của từng địa phương.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc thực hiện hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP cần thực hiện ngay nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương phải tổ chức rà soát, giám sát chặt chẽ để không bỏ lọt đối tượng thụ hưởng.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung kết luận cuộc họp.
Sẽ quy định thời gian mở cửa với các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung điểm qua tình hình dịch bệnh thế giới và Việt Nam, trong đó lưu ý, hiện nay vẫn chưa có vắc xin điều trị bệnh nên chưa thể yên tâm hoàn toàn. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cảnh báo, trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều trường hợp ca bệnh sau khi điều trị khỏi đã dương tính trở lại, vì thế, thành phố khuyến cáo các trường hợp này nên tự cách ly 30-40 ngày; người bệnh khi xuất viện cần phải tiếp tục theo dõi, tăng cường hệ miễn dịch bằng ăn uống, tập luyện thể thao.
Liên quan đến việc thực hiện giảm giãn cách xã hội phải thực hiện từng bước, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tuyên truyền để tất cả người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhằm chống dịch, trong đó có 3 nội dung thực hiện trong thời gian dài là: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội...
Nhấn mạnh thành phố đang xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, qua khảo sát thực tế, thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh thiết yếu để tránh tụ tập đông người cũng như tránh tăng lưu lượng người trên đường phố. Thành phố đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh khung giờ mở cửa các cửa hàng không thiết yếu sau 9h sáng để góp phần giảm lưu lượng giao thông.
"Đây là biện pháp tạm thời có thể sẽ áp dụng trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội nhằm giảm lưu lượng người tham gia giao thông. Thời gian này cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh. Nếu việc triển khai đạt hiệu quả trong việc giảm ùn ứ giao thông thì thành phố sẽ tính toán áp dụng thực hiện lâu dài", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục giao Sở Y tế chủ trì việc thực hiện rà soát, bổ sung các trang thiết bị y tế; tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở trong việc lấy mẫu xét nghiệm nhằm bảo đảm năng lực lấy được 3.000-5.000 mẫu/ngày, với sự chính xác cao. Các địa phương tiếp tục rà soát các điển hình, tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào để kịp thời biểu dương, khen thưởng...