Hà Nội: Nhiều phường, thị trấn không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm
Tại Kỳ họp thứ 15 diễn ra sáng nay (7/7), HĐND TP Hà Nội quyết nghị, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm các phường của các quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn của 5 huyện...
Sáng nay (7/7) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, quyết nghị khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm: Các phường của các quận thuộc TP; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi); các thị trấn của 5 huyện là thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Về thời gian thực hiện, các cơ sở chăn nuôi phải di dời (hoặc dừng hoạt động chăn nuôi) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
Bên cạnh đó, Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, áp dụng với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực được quy định nêu trên. Đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi gồm: Cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực được quy định nói trên, thực hiện di dời (hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triên chăn nuôi; cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời (hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đáp ứng một trong các điều kiện: Đối với chăn nuôi trâu bò và vật nuôi khác có thường xuyên từ 1 trâu, bò hoặc từ 20 con dê trở lên; với chăn nuôi lợn có thường xuyên từ 2 con lợn nái hoặc dưới 5 con lợn thịt hoặc từ 1 con lợn nái và 3 con lợn thịt trở lên; với chăn nuôi gia cầm có thường xuyên từ 200 con gia cầm thương phẩm hoặc từ 100 con gia cầm sinh sản trở lên.
Nghị quyết cũng nêu rõ về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho những chủ cơ sở, người lao động (NLĐ) làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi đáp ứng quy định nói trên, khi dừng chăn nuôi có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề. Theo đó, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015, gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề với mức tối đa 3.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng tối đa 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
Cũng theo Nghị quyết, các chủ cơ sở đáp ứng quy định sẽ được hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đã được TP phê duyệt. Nội dung và mức hỗ trợ được áp dụng theo điểm b, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP; phương thức hỗ trợ được thực hiện theo điếm c, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP.Về phương thức hỗ trợ, NLĐ có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp vào đào tạo dưới 3 tháng tiến hành đăng ký học nghề với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú. Chính sách hỗ trợ học phí học nghề, hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lại cho NLĐ được thực hiện thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo, theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 (không trả trực tiếp cho NLĐ).
Ngoài các nội dung chính sách trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của T.Ư và TP theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ cao và có lợi nhất.
HĐND TP giao UBND TP tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, lập dự toán ngân sách hằng năm theo khả năng cân đối ngân sách của TP để thực hiện Nghị quyết; tăng cường tuyên truyền và thông báo rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách TTHC…
Trước khi HĐND TP thông qua Nghị quyết này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ trình bày Tờ trình của UBND TP cho hay: Theo thống kê tại tháng 5/2020, toàn TP có 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, lợn, dê, gia cầm). Các phường thuộc các quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đề xuất không được phép chăn nuôi trên địa bàn hiện có 203.804 con gia súc, gia cầm/3.354 trang trại, nông hộ.
Với những phường thuộc các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô, các khu đô thị được các cấp có thẩm quyền phê duyệt với số lượng chăn nuôi rất ít, hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn nuôi ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, khả năng lây lan dịch bệnh cao, nhiều mối nguy về mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tác động không tốt đến phát triển đô thị. Vì vậy, 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động, trong đó 1.033 nông hộ/2.066 lao động, 54 trang trại/540 lao động cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định. Tuy nhiên, để thực thi chính sách có hiệu quả cao, cần hỗ trợ một phần khó khăn trong sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi khi phải di dời cơ sở ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, rất cần sự quan tâm của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ Nhân dân.
Thảo luận góp ý vào Tờ trình và dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Lan Hương (tổ Thanh Trì) - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, MTTQ Việt Nam TP đã tổ chức phản biện nội dung này, thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Tại Tờ trình của UBND TP được trình bày hôm nay thể hiện đã tiếp thu, điều chỉnh theo các ý kiến đóng góp rất cụ thể. Tuy nhiên, theo đại biểu, về nội dung dự thảo Nghị quyết này, mặc dù tác động đến một bộ phận dân cư không lớn nhưng tác động trực tiếp đến những gia đình đang làm nghề chăn nuôi. Do đó, đề nghị việc hỗ trợ để các hộ dừng chăn nuôi trong các khu vực được nêu ra cần có sự quan tâm chung của các cấp ngành, nhất là với những người nhiều tuổi rất khó chuyển đổi việc làm. Với khái niệm “thú cưng”, “thú cảnh” cũng chưa rõ ràng, kể cả những loài này trong nhiều cơ sở như khách sạn cũng gây ô nhiễm môi trường, nên các địa phương cần quan tâm quản lý về vệ sinh môi trường đối với những hộ, cơ sở có thú này mà hiện Luật chưa điều chỉnh.