Hà Nội: Nhiều ý kiến quanh vấn đề tổ chức môn thi thứ tư vào lớp 10
Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố năm nay có tổ chức bài thi thứ tư, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không nhưng nhiều phụ huynh đã thay hình đại diện, 'nhuộm đỏ' mạng xã hội để phản đối...
Học sinh căng thẳng, áp lực
Những ngày này, tại Hà Nội vấn đề nóng nhất được đông đảo phụ huynh có con thi tuyển vào lớp 10 quan tâm là liệu có thi môn thứ tư hay không.
Rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, trong đó phần lớn phụ huynh mong muốn Hà Nội bỏ môn thi thứ tư, một số lại cho rằng, nếu thi nên công bố từ sớm, không nên chơi trò “ú tim” đến sát kỳ thi mới thông báo. Bởi lẽ, nếu không thông báo sớm, ngoài 3 môn chắc chắn sẽ thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn còn lại, thậm chí học thêm triền miên quá vất vả, áp lực.
Một phụ huynh cho rằng, nếu Hà Nội đủ trường THPT công lập cho 100% học sinh THCS chuyển tiếp lên thì tổ chức thi bao nhiêu môn cũng được. Đằng này, Hà Nội phân luồng, chỉ cho 60% học sinh có suất học ở trường công, số còn lại sẽ phải học trường tư, định hướng nghề nghiệp sớm. “Việc phân hóa, định hướng nghề nghiệp sớm là tạo nút thắt cổ chai trong khi mở toang cánh cửa đại học là không phù hợp, làm khó học sinh”, phụ huynh này nói.
Chị Trần Thị Dung, có con năm nay học lớp 9, một trường THCS tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, năm cuối cấp cả con và gia đình đều căng thẳng quá mức.
Thu nhập của bố mẹ chỉ khoảng 15 triệu đồng/ tháng phải nuôi 2 đứa con ăn học đã quá chật vật, không có điều kiện để cho con học trường tư nhưng học nghề từ sớm gia đình cũng không muốn. Chính vì áp lực phải đỗ mà từ đầu năm học đến nay, ngày nào con cũng phải học thêm 1 ca, cuối tuần có khi 3 ca. Con căng thẳng đến mức đau dạ dày. Bố mẹ khuyên con sẽ chỉ chọn trường vừa sức để không áp lực quá.
Anh Nguyễn Kim Phương (thường được biết đến trên mạng xã hội với bút danh Trần Phương qua các bài viết về đề tài giáo dục), admin Nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi HSG tiếng Anh chia sẻ, từ năm học 2022 - 2023, lớp 10 công lập tại Hà Nội đã bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đi đến giai đoạn giáo dục hướng nghề nghiệp. Vì vậy, việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng cách thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ như TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số tỉnh khác là thích hợp.
"Có hôm đi học về con lao vào phòng nằm bẹp dí. Thương con lắm nhưng không biết phải làm sao. Chỉ mong, học hành bớt áp lực, nhà trường dạy học sinh kỹ năng sống, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi thay vì học hành như hiện nay”, chị Dung nói.
Lo học sinh bỏ các môn
Trong khi phần lớn phụ huynh mong muốn Hà Nội bỏ môn thi thứ tư thì giáo viên, các nhà quản lý giáo dục vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Một giáo viên dạy bộ môn Hóa học tại Hà Nội phân tích, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 áp lực không phải tại bài thi thứ tư mà do tính chất, ý nghĩa của kỳ thi chỉ có chỉ tuyển khoảng 60% em lên THPT công lập. Thứ 2 là sự kỳ vọng của phụ huynh luôn muốn con vào trường tốp đầu hoặc trường vượt quá sức của con.
“Sau bậc THCS đúng là lên bậc THPT thì học sinh sẽ bước vào giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp” và không cần học đủ các môn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ở các cấp học dưới, học sinh cũng không cần học đủ các môn. Mỗi giai đoạn giáo dục có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và học sinh rất cần kiến thức nền tảng ở bậc THCS”, thầy giáo này nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, thời điểm này nhà trường vẫn thực hiện kế hoạch dạy học theo chương trình đồng thời dựa vào kinh nghiệm những năm trước để ôn tập kiến thức trọng tâm của tất cả các môn.
Trong đó, với những môn thi bắt buộc, giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập thêm theo chuyên đề. Khi có môn thi thứ tư, nhà trường sẽ bám kiến thức trọng tâm để ôn luyện các dạng đề cho học sinh vừa cũng cố kiến thức vừa rèn kỹ năng.
Cũng theo bà Nga, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm học sinh thường cảm thấy áp lực, lo lắng vì đặt mục tiêu thi đỗ vào trường THPT công lập trong khi chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế.
“Tuy nhiên, năm nay không còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thầy trò sẵn sàng tâm lý để tiến tới kỳ thi. Việc tổ chức bài thi thứ tư là cần thiết vì nhằm đảm bảo kiến thức cơ bản bậc THCS, tránh việc học sinh chỉ ôn 3 môn, lên THPT bị hổng dẫn đến lựa chọn tổ hợp cũng khó khăn”, bà Nguyễn Thị Bích Nga nói.
Điều bà Nga mong muốn là học sinh lớp 6,7 hiện đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cách học và đánh giá các môn tích hợp khác với chương trình hiện hành. Vậy, trong 2 năm tới, Hà Nội sẽ thay đổi cách ra đề thi như thế nào cần công bố sớm để các nhà trường, học sinh được biết.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức bài thi thứ tư sẽ không còn phù hợp, nhất là lên THPT học sinh học theo chọn tổ hợp môn.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, thi tốt nghiệp THPT là đầu ra thì đã học gì sẽ phải thi nấy. Riêng thi tuyển lớp 10 là kỳ thi đầu vào thì nên học gì thi nấy. Học sinh được chọn môn ở bậc THPT thì không lý do gì bắt em chọn Hóa học, Sinh học phải học sâu các môn Địa lý, Giáo dục công dân.
Trong khi đó, ở bậc THPT, một số hiệu trưởng giữ quan điểm, việc Hà Nội tổ chức bài thi thứ tư là nhằm để học sinh không bỏ bê kiến thức các môn không thi, có lợi khi lên THPT.
Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết bà Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ, mấy năm trở lại đây, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức bài thi thứ tư là với mục đích để học sinh học đều các môn. Nếu không tính tới khía cạnh học sinh sẽ học tập vất vả hơn thì với tâm lí không dám bỏ bê môn học nào, khi lên THPT, các em có kiến thức cơ bản khá vững vàng. Điều này khác với thực tế trước đây, khi không tổ chức nhiều bài thi, học sinh lên THPT, kiến thức nhiều môn bị hổng, giáo viên vô cùng vất vả.
Ủng hộ quan điểm nên bỏ môn thi thứ tư, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay vì không còn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được chọn môn học, đại diện Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, không nên lo lắng về chất lượng các môn. Các trường sẽ phải tự yêu cầu giáo viên đảm bảo chất lượng dạy.
Trước đó, trả lời Tiền Phong, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, đơn vị đã trình phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 lên UBND TP. Hiện nay, đơn vị cũng đang chờ phê duyệt để sớm công bố cho phụ huynh học sinh được biết.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội không tiết lộ, trong phương án năm nay có tổ chức bài thi thứ tư hay không.
Trong khi đó, một số địa phương đã có phương án thi 3 môn tuyển sinh vào lớp 10 như: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh…