'Hà Nội niềm tin và hy vọng' - Bản hùng ca đi cùng năm tháng

Đến với nhạc sĩ Phan Nhân qua ca khúc 'Hà nội niềm tin và hi vọng' tôi thật sự đồng cảm với tác giả ở giai điệu hành khúc, vui khỏe của điệu tính trưởng ông sử dụng trong bài hát, để vào đầu lời ca như bừng tỉnh ở sự chuyển nhịp mang tính chất trang nghiêm, hùng tráng.

Vào những ngày cuối năm 1972, như mọi bữa, cơm chiều xong xuôi, thành phố cũng vừa lên đèn, nhạc sĩ Phan Nhân lại lên chơi với nhạc sĩ Triều Dâng tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ, Hà Nội. Lát sau, nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng tới. Nhạc sĩ Phan Nhân kể: "Khi cả ba còn đang đàn hát, bàn luận về âm nhạc, chuyện trò vui vẻ thì đúng lúc ấy, vùng trời Hà Nội rền vang những tiếng nổ liên hồi. Tiếng còi báo động hú, tiếng máy bay rền rĩ nặng nề… Hàng bầy máy bay Mỹ kéo vào. Các cỡ đạn pháo đan chéo như thoi đưa trên nền trời Hà Nội. Hàng loạt tiếng bom rền dậy đất. Đích thị là B52. Hà Nội đang kiên cường giáng trả. Tôi nhìn đồng hồ: 19h10 phút".

Bất chấp sự ngăn cản của tự vệ, ông chụp vội lên đầu chiếc mũ sắt vẫn mang bên mình, vọt ra khỏi hầm trú ẩn, chạy vụt lên sân thượng tầng 4 ngôi nhà 58 Quán Sứ lòng đầy xúc động trước cuộc chiến quyết liệt và hào hùng. Hà Nội đỏ trời đạn bom. Ông nghĩ: "Tôi là người trong cuộc, tôi phải tận mắt nghe nhìn để viết. Hà Nội mến yêu của tôi! Của chúng ta mà cũng là của riêng tôi!".

Và ông tiếp tục ở lại trên cao quay phim bằng mắt, ghi âm bằng tai và nghĩ về mặt Hồ Gươm chiều nay hãy còn lung linh yên ả… Nhiều đêm sau trong suốt 12 ngày đêm mùa đông tháng chạp năm 1972 ấy, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn ở trên cao trong tiếng bom đạn gào rú… để rồi với phong thái ung dung đĩnh đạc cùng với niềm vui tất thắng, quân dân Hà Nội đã thực sự “dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền” và ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” đã ra đời. Nhạc sĩ Phan Nhân kể rằng ông dành riêng bài hát này cho giọng ca nghệ sĩ Trần Khánh.

Tháng 9 năm 2000, tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” trên Đài, bạn Nguyễn thị Giang, giáo viên trường tiểu học Kim Giang, xã Kim Giang, Cẩm Giàng, Hải Dương đã gửi cảm nhận của mình về bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (nhạc sĩ Phan Nhân): “Đến với nhạc sĩ Phan Nhân qua ca khúc “Hà nội niềm tin và hy vọng” tôi thật sự đồng cảm với tác giả ở giai điệu hành khúc, vui khỏe của điệu tính trưởng ông sử dụng trong bài hát, để vào đầu lời ca như bừng tỉnh ở sự chuyển nhịp mang tính chất trang nghiêm, hùng tráng “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời… Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”, đây phải chăng là tâm trạng của chính nhạc sĩ nói riêng, của mọi người dân Việt Nam nói chung trong niềm hân hoan đón chào đất nước giải phóng. Ước mong tiếp theo của nhạc sĩ là “Hà Nội chúng ta vang vọng lời ca thiết tha át tiếng bom rền…” chính là cảm xúc của nhạc sĩ với Hà Nội niềm tin và hy vọng”.

Hồ Gươm. Ảnh: KT

Hồ Gươm. Ảnh: KT

Với bác Phan Tân Duẩn, chi hội 2 Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An thì bài hát: “Hà Nội niềm tin và hy vọng” là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Ở đây giai điệu và lời ca hòa quyện vào nhau, nâng đỡ cho nhau, trong sáng tự nhiên như tiếng nói của trái tim. Chúng ta hãy lắng nghe cho rõ lời ca để cảm nhận hết vẻ đẹp như một bài thơ tả cảnh: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô/Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không quên niềm thương đau”.

Trong những ngày đánh Mỹ, Hà Nội anh hùng biết bao khi “nòng pháo đang vươn lên trời cao”. Ba tên gọi: Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội cùng vang lên trong bài hát như nhắc nhở chúng ta về truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của tổ tiên, ông cha chúng ta. Bài ca đượm chất sử thi mà vẫn luôn mới lạ từng ngày.

Bác Phan Tân Duẩn chia sẻ: "Tôi không sinh ra ở Hà Nội, không được sống nhiều ở thủ đô nhưng có lẽ cũng như mọi người dân Việt Nam ta, ai mà chẳng mến thương yêu quý Hà Nội, đất thiêng liêng cội nguồn Tổ quốc và nay lại là nơi yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Hà Nội có thể đổi thay từng giờ, có thể nhiều cao ốc mới sẽ mọc lên nhưng “mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” thì có lẽ là muôn thuở vì không có Hồ Gươm thì sao còn Hà Nội! Tất cả mọi người Việt Nam ta, cả người ở Hà Nội và người xa Hà Nội, chúng ta quyết giữ cho mặt Hồ Gươm lung linh mây trời mãi mãi".

Kết thúc bài bình của mình về bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, bác Phan Tân Duẩn viết: “Nghệ sĩ là thư ký của thời đại nhưng không có tài năng và tâm huyết của người cầm bút thì sao ghi lại được sự tích anh hùng. Vì vậy chúng ta cảm ơn nhạc sĩ Phan Nhân, người nhạc sĩ tài hoa và giàu lòng yêu nước đã dâng hiến cho đời bài ca “Hà Nội niềm tin và hy vọng” để cho ta thêm thiết tha yêu Hà Nội, yêu Tổ quốc nhiều hơn! Giúp ta vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy để chiến thắng quân xâm lược, xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta mong ước”.

Ánh Quyên/VOV Cựu BTV chương trình "Ca nhạc theo yêu cầu thính giả" của Đài Tiếng nói Việt Nam

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/ha-noi-niem-tin-va-hy-vong-ban-hung-ca-di-cung-nam-thang-post1068727.vov