Hà Nội nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ngành, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, đến nay Hà Nội đã có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đưa tổng số có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thành phố cũng có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; còn 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì chưa hoàn thành huyện đạt chuẩn NTM.
Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng NTM tại các địa phương. Thành lập mới 26 hợp tác xã (HTX), đạt 80% so với kế hoạch năm 2022, 16 HTX đã giải thể, đạt 90% so với kế hoạch năm 2022.
Về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp... Đáng chú ý, ngày 30/9/2022 vừa qua, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã tiến hành đánh giá lần 1 với 41 sản phẩm của 3 quận, huyện: Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm và ngày 18/10/2022 đánh giá 37 sản phẩm của huyện Ba Vì. Kết quả có 78/78 sản phẩm được đánh giá từ 50 điểm trở lên. Có thêm 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được thành lập trong quý III/2022.
Hạ tầng nông thôn, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội luôn được thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, kịp thời và đem lại hiệu quả thiết thực.
Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong 10 tháng đầu năm 2022 là 22.149 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 10.446,7 tỷ đồng.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chánh văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội cho rằng, với sự nỗ lực không ngừng, từ nay đến cuối năm, Hà Nội phấn đấu có thêm 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm…
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm dừng
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" (Chương trình số 04) lưu ý, xây dựng NTM là nhiệm vụ không có điểm dừng, đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu về đích theo đúng kế hoạch.
Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng NTM…
Nhấn mạnh ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Thành ủy Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ. Trong đó, sở cần rà soát, lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu của thành phố đã ban hành để thống nhất triển khai thực hiện.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, tập huấn về xây dựng NTM, trong đó tập trung tuyên truyền về bộ tiêu chí xã, huyện NTM của TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã, huyện NTM. Đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, cơ bản đạt hoàn thành trong năm 2022.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng NTM đúng tiến độ; rà soát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 song hành với việc xây dựng dự toán năm 2023 theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, Gia Lâm đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 sẽ có 20/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện có 8 xã đăng ký đạt NTM nâng cao, 3 xã đăng ký đạt NTM kiểu mẫu với các tiêu chí cơ bản hoàn thành.
Tại huyện Đông Anh, với đặc thù đang trong quá trình xây dựng huyện thành quận nên huyện đã hợp nhất 3 bộ chỉ tiêu, lựa chọn các chỉ tiêu cao nhất và ban hành bộ chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao của địa phương. Huyện phấn đấu 8 xã đạt NTM nâng cao và 1 xã đăng ký thực hiện NTM kiểu mẫu.
Còn tại huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Ba Vì xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022. Hiện huyện còn 3/9 tiêu chí chưa đạt và đang tập trung chỉ đạo để hoàn thành, phấn đấu trong tháng 12/2022 hoàn thiện
Hà Nội phấn đấu, đến năm 2025 có 100% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo quy định; thành lập mới từ 150 hợp tác xã nông nghiệp trở lên; củng cố, kiện toàn phát triển hợp tác xã nông nghiệp; 100% hợp tác xã ở xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được củng cố, kiện toàn; 60% hợp tác xã nông nghiệp trở lên đạt từ loại khá…