Hà Nội: Nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn 'những lò sinh độc tố'
Theo yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn. Đây là một trong những biện pháp của Hà Nội nhằm xóa bỏ hoàn toàn 'những lò sinh độc tố'.
Ô nhiễm môi trường không khí trong cả nước đang có diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của người dân. Trong đó, Hà Nội đang đứng trước hiểm họa về ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019 - 2020 của Hà Nội đều vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT; mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019.
Một trong những nguồn phát tán ô nhiễm nguy hại là khói từ bếp than tổ ong. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, trung bình Thủ đô tiêu thụ hơn 500 tấn than mỗi ngày, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí. Điều đó có nghĩa, một ngày bầu không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính.
Một trong những nguồn phát tán ô nhiễm nguy hại là khói từ bếp than tổ ong. (Ảnh minh họa)
Thêm vào đó, khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn.
Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín (trong nhà) sẽ khiến người đun rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do hít phải khí CO và bụi PM2.5 cao hơn khi đốt than ở bên ngoài.
Để quyết tâm giảm nguồn ô nhiễm từ than tổ ong, ngày 30/10/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND. Theo Chỉ thị này, TP.Hà Nội quyết tâm thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Sau hơn 3 năm thực hiện, yêu cầu thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ của UBND TP. Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực. Điều này đã được nêu trong báo cáo mới đấy của Sở TN&MT Thành phố về kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Theo báo cáo này, kết quả thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, tính đến hết năm 2021, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố chỉ còn 316 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được 54.176 bếp (giảm 99,42% so với năm 2017).
Từ kết quả này, ngày 7/6/2022, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố trong năm 2022. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhận định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng (từ 1/1/2022). Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.