Hà Nội: Ô tô thản nhiên đỗ trái phép tại các khu dân cư

Tại các khu dân cư trong nội thành Hà Nội, tình trạng ô tô đỗ trái phép, bạ đâu đỗ đấy vẫn diễn ra phổ biến gây khó khăn cho người đi bộ và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ô tô đỗ trái phép 'bủa vây' các khu dân cư

Qua khảo sát của phóng viên, tình trạng xe ô tô và cả xe taxi dừng, đỗ bất kể thời gian trong ngày đang diễn ra phổ biến tại nhiều khu dân cư trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai,...

Điển hình như trên đường Nguyễn Xiển - đoạn qua Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ (phường Đại Kim, Hà Nội) hàng loạt ô tô ngang nhiên dừng đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường bất chấp biển cấm.

Hàng loạt ô tô đỗ tràn lan từ vỉa hè cho tới lòng đường, dàn thành 2 hay 3 hàng ngang.

Được biết, lực lượng chức năng liên tục ra quân, lập biên bản xử phạt nhưng tình trạng trên vẫn thường xuyên diễn ra.

Các chủ ô tô nhận thức được việc đỗ xe dưới lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, nhưng vì thiết kế tòa nhà không đủ hầm để ô tô nên nhiều người dân bất chấp để xe dưới lòng đường, trên vỉa hè.

Tương tự, tại khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), hàng loạt xe ô tô đủ loại và các hãng taxi đỗ thành hàng dài xung quanh trường học, nhà dân, các quán hàng,... dù không hề có vạch cho phép đỗ xe.

Tương tự, khu vực trước tòa nhà 7A và 5A đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) cũng cấm đỗ xe ô tô nhưng tài xế vẫn bất chấp để xe chình ình ngay trên vỉa hè.

Thậm chí, tại đường Lê Quang Đạo và Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) dù có biển cấm đỗ, nhiều lái xe vẫn ngang nhiên đỗ ô tô dưới lòng đường.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra phổ biến tại khu chung cư N01, N02 phố Trần Quý Kiên (quận Cầu Giấy), lòng đường tại khu vực này vốn đã hẹp nay bị ô tô chiếm dụng khiến diện tích càng chật chội gây khó cho người dân khi di chuyển qua.

Tại ngõ 215 Tô Hiệu (quận Cầu Giấy), hai chiếc ô tô ngang nhiên đỗ dưới lòng đường hàng tiếng đồng hồ chiếm gần như toàn bộ phần lòng đường, cản trở giao thông.

Trước một quán cà phê tại đây, mặc cho sự xuất hiện của biển cấm, nhiều ô tô vẫn chiếm dụng lòng đường.

Khi nào bảo vệ khu đô thị được phép khóa bánh xe ô tô đỗ sai quy định?

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Bùi Xuân Lai cho hay, hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể thẩm quyền của lực lượng bảo vệ cũng như quyền dừng đỗ xe của những người lái xe trong các khu đô thị mới. Đa phần đều phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người - tùy tiện dừng đỗ xe kể cả là dưới lòng đường, vỉa hè... dẫn đến cản trở giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt chung.

Luật sư Bùi Xuân Lai

Luật sư Bùi Xuân Lai

Trong các khu đô thị, không phải phần diện tích đường nội bộ nào cũng là phần sử dụng chung, thuộc trách nhiệm quản lý, duy trì trật tự của lực lượng bảo vệ. Có những trường hợp theo nội quy của dự án, quy định của pháp luật và các quyết định của cơ quan chức năng thì sau khi đô thị triển khai xong, đường nội bộ thuộc quyền quản lý của nhà nước nên lực lượng bảo vệ không có thẩm quyền xử lý vi phạm. Ngoài ra quy chế quản lý khu chung cư, khu đô thị ở mỗi dự án có thể loại khác nhau dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng và xử lý cũng khác nhau.

Đối với các dự án nhà ở chung cư thì phần diện tích sử dụng chung và phần diện tích sử dụng riêng được luật nhà ở quy định rất rõ ràng. Theo khoản 2 (Điều 100, Luật Nhà ở 2014) thì: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở cũng chưa có quy định cụ thể về phần sử dụng chung ở trong các khu đô thị mới, không phải ai cũng hiểu rằng khu đô thị mới và khu chung cư là một, áp dụng chung một văn bản quy phạm pháp luật. Có những khu đô thị mới đều là biệt thự liên kề, shophouse, các nhà ở thấp tầng chứ không có chung cư, vậy có áp dụng các quy định về nhà chung cư hay không là vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Những dự án nhà nước quy định sau khi triển khai xong thì đường nội bộ, hệ thống đường giao thông sát khu đô thị được bàn giao cho nhà nước quản lý. Với những diện tích này thì sẽ quản lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp luật có liên quan đến tài sản công. Khi đó, hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Giao thông đường bộ và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Nếu trường hợp bảo vệ của khu đô thị mà lại xử lý vi phạm đối với các phương tiện dừng đỗ thuộc khu vực nhà nước quản lý thì sai thẩm quyền. Đặc biệt, nếu là hành vi khóa bánh xe, niêm phong, cẩu xe đi nơi khác thì rõ ràng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại vật chất đối với chủ xe.

Chỉ có những khu vực sử dụng chung, nằm trong sự quản lý của Ban quản lý khu đô thị, Ban quản lý khu nhà ở chung cư thì lực lượng bảo vệ mới được quyền thực hiện nhiệm vụ theo nội dung quy chế quản lý khu đô thị, khu chung cư.

Khi nào được phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đỗ xe?

Cũng theo luật sư Bùi Xuân Lai, pháp luật không có quy định về cấm dừng xe, đỗ xe chắn trước cửa nhà dân. Tuy nhiên khi dừng, đỗ xe cần theo đúng nguyên tắc đã quy định trong luật. Việc dừng xe, đỗ xe không đảm bảo đúng quy định có thể bị xử phạt hành chính.

Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về mức xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó tài xế ô tô nếu dừng, đỗ xe trước cửa nhà người khác sẽ không bị phạt nếu đảm bảo được những quy định trên. Các trường hợp dừng xe, đỗ xe sai quy định, chiếm phần đường xe chạy và không đảm bảo khoảng cách quy định hoặc đỗ xe tại các vị trí bị cấm có thể bị phạt tiền lên đến 3.000.000 đồng.

Hiện nay phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, lại thiếu bãi đỗ xe do đó Hà Nội đã cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đỗ xe. Theo Quyết định 07/1998/QĐ-UB và Quyết định 20/2008/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Hai quyết định này cho phép sử dụng hè phố, lề đường làm điểm trông giữ xe khi được Sở Giao thông công chính cấp giấy phép sử dụng tạm thời. Riêng Cty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thuộc Transerco quản lý và khai thác 138 điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội thì chỉ có 8 bến trong khuôn viên được quy hoạch xây dựng ổn định và có tới 130 điểm trên hè, đường phố.

Trong giai đoạn hiện nay với số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh như vậy trong khi hệ thống hạ tầng giao thông không theo kịp mà vẫn sử dụng hè phố, lòng đường làm bãi đỗ xe là hoàn toàn bất hợp lý. Dù đã được quy hoạch nhưng với số lượng phương tiện tăng chóng mặt như hiện nay các bãi đỗ xe vẫn khó có thể đáp ứng được sức chứa.

Đức Sơn - Hồng Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-o-to-than-nhien-do-trai-phep-tai-cac-khu-dan-cu-169230406144532788.htm