Hà Nội phải là lá cờ đầu trong chuyển đổi số | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội phải là lá cờ đầu trong chuyển đổi số; Hà Nội đưa ra ba phương án cấp đổi giấy phép lái xe nhanh chóng, tiết kiệm chi phí... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội phải là lá cờ đầu trong chuyển đổi số

Hà Nội phải là địa phương đi đầu phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thủ tướng chỉ đạo với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô, thành phố phải phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Có thể nói thời gian qua, thành phố Hà Nội đang đi đầu trong ứng dụng các mô hình chuyển đổi số từ Đề án 06, góp phần xây dựng thành phố thông minh, lan tỏa cảm hứng cho các địa phương trên cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức vận hành các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Báo Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức vận hành các nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: Báo Chính phủ.

Hà Nội đã có những bước đi và lộ trình phù hợp để đạt những kết quả quan trọng. Chính quyền số được quan tâm đầu tư; Hạ tầng số được thúc đẩy; Kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh. Đáng chú ý, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai Đề án 06 với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả, một việc - một đầu mối xuyên suốt.

Hà Nội cũng đã vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ gồm: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID, Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, Hệ thống E-Cabinet.

Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hà Nội.

Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hà Nội.

Triển khai thử nghiệm một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp như thẻ vé giao thông Hà Nội cho vận tải hành khách công cộng.

Một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, trong đó một số mô hình nổi bật như: Thanh toán không dùng tiền mặt, Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có căn cước công dân, được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã thành phố thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử.

Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tham mưu, báo cáo trình HĐND thành phố xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VNeID; ngân sách thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31/12/2024.

Sở Tư pháp Hà Nội đã xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Báo Chính phủ.

Sở Tư pháp Hà Nội đã xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Báo Chính phủ.

Số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan Nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm.

Hà Nội đặt mục tiêu kép vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Do vậy, để thực hiện chương trình chuyển đổi số thành công, hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân thì đây là khối lượng công việc không nhỏ nhưng với quyết tâm chính trị của thành phố chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hà Nội đưa ra ba phương án cấp đổi giấy phép lái xe nhanh chóng, tiết kiệm chi phí

Ngày 15/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông tin về việc người dân có thể chọn một trong ba phương án làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe trực tiếp hoặc trực tuyến.

Cụ thể, phương án một, người có nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe chuẩn bị giấy khám sức khỏe người lái xe tại các cơ sở y tế theo yêu cầu của thành phần hồ sơ; đến trực tiếp tại 9 địa điểm của UBND quận, huyện, thị xã được ủy quyền để làm thủ tục hoặc bộ phận một cửa tại hai địa điểm của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lấy số, xếp hàng chờ nộp hồ sơ. Theo ngày trên giấy hẹn quay lại nhận kết quả tại bộ phận một cửa đã nộp hồ sơ.

Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án đổi giấy phép lái xe mà người dân chỉ cần ra khỏi nhà 1 lần duy nhất. Ảnh: Khánh An/ Báo Lao động.

Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án đổi giấy phép lái xe mà người dân chỉ cần ra khỏi nhà 1 lần duy nhất. Ảnh: Khánh An/ Báo Lao động.

Phương án hai, người có nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe đi khám sức khỏe theo yêu cầu; nộp hồ sơ tại 9 bộ phận một cửa của UBND quận huyện, thị xã được ủy quyền hoặc hai địa điểm của Sở nộp hồ sơ, sau đó đăng ký nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.

Phương án ba, người có nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn, chọn thủ tục "Đổi giấy phép lái xe" và làm theo hướng dẫn để nộp hồ sơ, thực hiện thanh toán lệ phí 115.000 đồng khi nhận được yêu cầu từ Cổng dịch vụ công. Kết quả giấy phép lái xe được bưu điện trả tại nhà của công dân.

Người dân Hà Nội có thêm nhiều phương án cấp đổi giấy phép lái xe. Ảnh: CAND.

Người dân Hà Nội có thêm nhiều phương án cấp đổi giấy phép lái xe. Ảnh: CAND.

9 địa điểm tiếp nhận đổi giấy phép lái xe quận huyện, thị xã được Sở Giao thông Vận tải thông báo gồm: UBND huyện Đông Anh, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đan Phượng, UBND quận Long Biên, Nam Từ Liêm và Thị xã Sơn Tây.

Hai địa điểm của Sở Giao thông Vận tải gồm: Trụ sở Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tại khu liên cơ Võ Chí Công, Tây Hồ và 16 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội. Trong quá trình làm thủ tục các bước trên, nếu cần hướng dẫn, người dân có thể gọi đến số hotline hỗ trợ: 1900272704.

Thời gian qua, việc phân cấp, ủy quyền công tác cấp, đổi giấy phép lái xe tại các huyện đã đem lại những hiệu quả tích cực. Người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe được dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều.

Không còn tình trạng nhiều người phải di chuyển hàng chục km đến hai địa điểm “một cửa” xếp hàng chờ đợi như trước. Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp đổi hơn 72.000 giấy phép lái xe; đổi hơn 21.000 giấy phép lái xe qua Cổng dịch vụ công Quốc gia mức độ 4 toàn trình, trong đó có hơn 10.300 giấy phép lái xe được cấp, đổi tại các quận, huyện.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-phai-la-la-co-dau-trong-chuyen-doi-so-ha-noi-tin-moi-chieu-251976.htm