Hà Nội phải tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia
Thành phố Hà Nội xác định phải tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số, công dân số…
UBND thành phố Hà Nội ngày 31-12-2024 ban hành Kế hoạch số 400/KH-UBND Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Kế hoạch yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xác định Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần thúc đẩy quản trị xã hội theo hướng hiện đại, văn minh; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân…
Hà Nội phải là địa phương tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là Thủ đô.
Trên cơ sở khai thác các tiện ích từ các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử và nghiên cứu các mô hình, cách làm hay của các địa phương khác, các sở, ban, ngành, UBND các cấp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố triển khai thí điểm các mô hình mới, mở rộng các mô hình đã thí điểm thành công, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nổi bật.
Quá trình triển khai thực hiện đúng quy định, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức, đảm bảo mục tiêu yêu cầu đề ra và phù hợp với tình hình, đặc thù của Thủ đô.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố hằng năm được truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời khuyến khích trực tiếp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính.
100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trực tiếp tham gia thiết kế, quản trị, vận hành, khai thác sử dụng hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức chuyên sâu về công nghệ số, kỹ năng số.
100% thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức và kỹ năng số để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ thành phố đến cấp cơ sở.
Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, trong đó mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%.
100% ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được cơ quan nhà nước tiếp thu công khai để cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
80% học sinh trung học phổ thông, sinh viên trên toàn thành phố được phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các hoạt động học tập, bồi dưỡng, tập huấn.