Hà Nội phấn đấu có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Để đạt mục tiêu 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 huyện đạt nông thôn mới nâng cao theo Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy, hiện các sở, ngành, huyện, thị xã của Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai.

Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng đã được xem xét, điều chỉnh trên tinh thần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới.

15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, xác định đến hết năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cụ thể hóa Chương trình này, tính đến hết năm 2022, Hà Nội đã có thêm 3 huyện: Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 15/18 huyện, thị xã. Riêng 3 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới là Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức, đang trong quá trình thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố.

Về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hiện nay có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023.

 Thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) ngày càng khang trang, hiện đại.

Thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) ngày càng khang trang, hiện đại.

Với nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong năm 2022, toàn Thành phố có thêm 63 xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch Thành phố giao), đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn Thành phố đến hết năm 2022 lên 111 xã.

Cũng trong năm 2022, Thành phố có thêm 15 xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt kế hoạch), đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn Thành phố đến hết năm 2022 lên 20 xã.

Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Hiện nay, toàn Thành phố có 1.695 trang trại. Các trang trại đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, sản lượng, đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, toàn Thành phố đã có 1.871 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Thành phố đến hết năm 2022 giảm còn 0,17%, trong đó có 5 huyện không còn hộ nghèo...

Xây dựng mô hình sản xuất tập trung, công nghệ cao

Đánh giá việcthực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU thời gian qua, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, các địa phương đã tích cực vào cuộc, quyết liệt triển khai, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn ở một số địa phương mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế...

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm dự án tuyến đường gom và kè sông đào Nguyên Khê.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm dự án tuyến đường gom và kè sông đào Nguyên Khê.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, mục tiêu năm 2023 là Thành phố có thêm 3 huyện (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) đạt chuẩn nông thôn mới; 5 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai) đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với 5 huyện đang triển khai đề án thành lập quận, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tiếp tục rà soát lại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với tiêu chí xây dựng huyện lên quận, xã lên phường. Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2023, có 2 huyện Gia Lâm và Đông Anh hoàn thành hồ sơ, đề án lên quận trình Trung ương. Đến nay, hai địa phương này đã hoàn thành 30/31 tiêu chí lên quận.

Liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Thành phố, Phó bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị thành lập tổ công tác rà soát, đánh giá tác động của Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND Thành phố về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội, trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo các cấp thẩm quyền để trình HĐND Thành phố, vào kỳ họp tháng 7 tới. Mỗi huyện xây dựng từ 1-2 mô hình sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hướng về cơ sở để nâng cao đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: LINH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ha-noi-phan-dau-co-them-5-huyen-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-722137