Hà Nội phấn đấu trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng và cả nước

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Bốc xếp hàng hóa tại kho của Công ty logistics Delta. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Bốc xếp hàng hóa tại kho của Công ty logistics Delta. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), gia tăng tỷ lệ thuê ngoài, giảm chi phí logistics để cạnh tranh giá cả sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.

Cùng với đó, đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc khởi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics. Kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics.

Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL2; hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng và của cả nước.

Để làm tốt việc này, UBND thành phố giao Sở Công Thương kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương trong việc rà soát, kiểm tra phát triển các khu logistics với quy mô phù hợp, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng; với các đơn vị liên quan, tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics cho các đối tượng.

Sở Công Thương tổ chức liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân phối để tăng cường sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, logistics chuyên nghiệp; chủ trì, phối hợp các sở, ngành chức năng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm logistics khai thác, vận hành.

Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện và đề xuất hoàn thiện Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội; giám sát, hướng dẫn các chủ đầu tư công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sử dụng ngân sách nhà nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành mạng lưới giao thông vận tải do thành phố quản lý. Chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng điều hành quản lý giao thông thông minh; tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và giảm thời gian vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải tổ chức kết nối vận tải đa phương thức hiệu quả; liên kết các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt. Công khai trên website danh sách doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, hành trình vận tải, giá dịch vụ vận tải tham khảo để chủ hàng dễ dàng kết nối, lựa chọn. Rà soát, công khai vị trí, chức năng, dịch vụ chính, tuyến vận tải, cảng thủy nội địa; ga đường sắt đầu mối; trung tâm tiếp vận; bến, bãi tập kết hàng hóa của các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt.

Cục Hải quan Hà Nội đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa” quốc gia cho tất cả thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh, quá cảnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ngành hải quan trên địa bàn, địa điểm thông quan, kho bãi, điểm kiểm tra tập trung phục vụ hoạt động logistics. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hải quan điện tử; xây dựng, tổ chức mô hình hải quan số nhằm tăng tốc độ thông quan, giải phóng hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Thúy Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-phan-dau-tro-thanh-dau-moi-logistics-quan-trong-cua-vung-va-ca-nuoc-689473.html