Hà Nội: Phát hiện nhiều mẫu thịt, rau củ quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, cơ quan này phát hiện nhiều mẫu thịt, rau củ quả không đảm bảo chất lượng, tỉ lệ còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tăng 1,5% so với cùng kỳ 2018.
ảnh minh họa
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trực thuộc Sở đã lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với 1.412 mẫu nông lâm thủy sản. Hiện đã có kết quả phân tích của 824 mẫu. Trong đó, phát hiện 34 mẫu có vi phạm (chiếm tỷ lệ 4,1%).
Tỷ lệ thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh là 18/170 mẫu (chiếm 11,6%), tăng so với cùng kỳ năm 2018 (10,6%). 13/473 mẫu rau, củ, quả tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng (chiếm 2,7%), tăng so với cùng kỳ năm 2018 (1,5%). Tỷ lệ thủy sản vi phạm về chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 03/71 mẫu (chiếm 4,2%), giảm so với cùng kỳ năm 2018 (15,9%).
Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.
Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), ở Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với trên 4.000 sản phẩm thương mại có các tên gọi khác nhau. Đáng lưu ý, mỗi năm, nước ta chi ra khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu, trừ cỏ và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc.
Trong số này, chiếm gần 50% là thuốc trừ cỏ, tương đương khoảng 19.000 tấn; tiếp đó là các loại thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32%, tương đương 16.400 tấn. Với một lượng rất lớn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan như hiện nay, trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra các hóa chất bảo vệ thực vật hiện nay có một số nhóm chính như Phospho hữu cơ, Chlor hữu cơ, Carbamat, thuốc diệt cỏ với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng và quản lý.