Hà Nội phát triển giao thông thông minh để chống ùn tắc
Đề án phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội đặt ra tầm nhìn: Công nghệ hiện đại, hướng tới con người thân thiện môi trường, theo đó ứng dụng các công nghệ tiên tiến tăng cường thu thập thông tin, xử lý, chia sẻ, dữ liệu giao thông lớn, đa nguồn nhằm xây dựng hệ thống giao thông Thành phố an toàn, kết nối, bền vững.
Phát biểu tại phiên chuyên đề công nghệ, kết nối và dữ liệu trong khuôn khổ hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, Tiến sĩ Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trình bày đề án phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Hà Nội với diện tích gần 3,4 nghìn km2 nhưng lưu lượng, mật độ, số lượng các phương tiện giao thông rất lớn, tính đến tháng 6/2023, tổng phương tiện cá nhân là 7,96 triệu, trong đó 6,86 triệu xe máy; 1,1 triệu xe ô tô.
Trung bình hàng năm tăng từ 4 - 5% xe máy; ô tô tăng từ 7 - 10%, quỹ đất hạ tầng dành cho giao thông mới chỉ đạt 12 -13% trên diện tích quỹ đất phát triển đô thị, theo quy định của Luật quy hoạch xây dựng quỹ đất dành cho giao thông rơi từ 23 - 26%.
Hàng năm, ngân sách Thành phố dành trên 40% cho đầu tư công về phát triển giao thông, tuy nhiên tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội còn khiêm tốn.
Thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; di chuyển chưa thuận tiện, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; các đơn vị quản lý điều hành giao thông còn độc lập; dữ liệu giao thông chưa mang tính kết nối đồng bộ. Tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi, do đó cần có giải pháp, theo đó giải pháp cần hài hòa, thiên về thông minh.
Từ những thách thức đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định 3 yêu cầu đặt ra cho giao thông thông minh đó là tăng cường thông tin giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh.
“Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, đây là dữ liệu dùng chung, chia sẻ đến tất cả các chủ thể, tham gia khai thác dữ liệu. Thực tế hiện nay, hệ thống hạ tầng của Hà Nội có rất nhiều đường dây dẫn thông tin, mỗi đơn vị có một đường dây dẫn thông tin khác nhau, nếu chúng ta có giải pháp chung làm sao kết hợp cùng trong đường dây dẫn, cùng chia sẻ kênh dữ liệu thì chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Đỗ Việt Hải phân tích.
Khung kiến trúc giao thông thông minh Hà Nội có các cấu phần: Người dùng giao thông thông minh; trung tâm điều hành, giám sát, giao thông thành phố; mạng truyền thông diện rộng.
Đề án phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Thành phố đặt ra tầm nhìn: Công nghệ hiện đại, hướng tới con người thân thiện môi trường. Theo đó ứng dụng các công nghệ tiên tiến tăng cường thu thập thông tin, xử lý, chia sẻ, dữ liệu giao thông lớn, đa nguồn nhằm xây dựng hệ thống giao thông Thành phố an toàn, kết nối, bền vững.
Trên cơ sở tầm nhìn, đề án giao thông thông minh gồm 3 chiến lược trụ cột: Tăng cường thông tin; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành giao thông; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh. Dựa trên các nền tảng: Bản đồ số Thành phố; xử lý dữ liệu lớn; tiêu chuẩn giao thông thông minh.
Phát triển hệ thống giao thông thông minh Thành phố đáp ứng các nhu cầu chủ quan và khách quan, hệ thống giao thông thông minh là phương thức quản lý, khai thác mới đòi hỏi đổi mới cơ chế, chính sách. Phát triển hệ thống giao thông thông minh là quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực bền bỉ và hệ sinh thái giao thông thông minh đổi mới sáng tạo.
Lộ trình phát triển giao thông thông minh Thành phố chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2024 - 2026, Thành phố kiện toàn: Xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành giao thông Thành phố; đầu tư lắp đặt các hệ thống thiết bị ngoại vi; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Giai đoạn 2027 - 2030, hình thành hệ thống giao thông thông minh Thành phố: Xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp Thành phố; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng giao thông thông minh cơ bản; đầu tư lắp đặt các thiết bị ngoại vi giao thông thông minh; thu phí nội đô giai đoạn 1.
Giai đoạn 2030 - 2045, phát triển bền vững: Vận hành, khai thác hiệu quả giao thông thông minh Thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông thông minh; tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số; thu phí nội đô giai đoạn 2.
“Trong đề án phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội, chúng tôi đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Quan điểm của Sở Giao thông Vận tải là sẽ tiếp cận, cập nhật những tiêu chuẩn, kinh nghiệm tốt nhất của thế giới, làm sao để đề án giao thông thông minh tại Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển của các thành phố trong cả nước, tiệm cận với những nước phát triển trên thế giới”, Tiến sĩ Đỗ Việt Hải nhấn mạnh.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định 3 yêu cầu đặt ra cho giao thông thông minh đó là tăng cường thông tin giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh.
Trên cơ sở tầm nhìn, đề án giao thông thông minh gồm 3 chiến lược trụ cột: Tăng cường thông tin; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành giao thông; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh. Dựa trên các nền tảng: Bản đồ số Thành phố; xử lý dữ liệu lớn; tiêu chuẩn giao thông thông minh.