Hà Nội phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển từ 5 - 9 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 10/2/2023 về Phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển từ 5 - 9 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Đức), Vân Hà (huyện Đông Anh), Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) hoặc địa điểm khác phù hợp.
Việc ra đời các trung tâm trên nhằm kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất - kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất – chế biến, tiêu thụ sản phẩm (thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế) trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Mô hình cũng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã.
Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Ngân sách Nhà nước (kinh phí thực hiện Kế hoạch của cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành). Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác.
Thống kê của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho thấy, tính đến nay, Hà Nội có 2.140 sản phẩm được đánh giá trong Chương trình OCOP. Các sản phẩm OCOP của thành phố phong phú, đa dạng như: Thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ.