Hà Nội phát triển thế 'Rồng bay'
49 năm kể từ ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2024), Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội; xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao thương quốc tế, từ đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô.
Kinh tế khởi sắc, liên tục tăng trưởng cao
Như là sự phân công tự nhiên, Hà Nội là trung tâm kinh tế của Bắc Bộ, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của Nam Bộ, cả hai thành phố là trung tâm giao thương quốc tế. Khác với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội còn là trung tâm chính trị của đất nước, nơi đặt trụ sở của các phái đoàn ngoại giao, đại diện nhiều tổ chức quốc tế như: Liên Hợp quốc, IMF, WB, ADB…
Hà Nội chủ động đổi mới, phát triển
Trong lịch sử nghìn năm hào hùng của mình, có lẽ chưa bao giờ hình ảnh "Rồng bay lên" lại dồi dào sinh lực, vươn cao và tỏa sáng đến thế..., mặc dù còn nhiều bề bộn và bức xúc của một thành phố đang “thay da đổi thịt” từng ngày, chủ động đổi mới, chủ động phát triển. Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…
Trong sự đổi mới, phát triển chung của đất nước sau ngày thống nhất đất nước, có sự đóng góp của Thủ đô về phương diện kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp: trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Mỗi một giai đoạn, nền kinh tế Thủ đô dần khởi sắc, ấn tượng nhất là từ giai đoạn 2021 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Hà Nội đã duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu… góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Điển hình, tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2022, TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) của Hà Nội luôn tăng trưởng ổn định, phản ánh những nỗ lực trong cải cách thể chế và nâng cao năng suất các nhân tố sản xuất của thành phố. Đồng thời, kinh tế tri thức, kinh tế số được chú trọng. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước…
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đóng góp vào thành tựu chung trên, với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục đạt được các kết quả quan trọng khi trong quý I: Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, GRDP của thành phố ước tính tăng 5,5% (so với cùng kỳ năm trước), an sinh xã hội được bảo đảm, Tết Nguyên đán Giáp Thìn diễn ra an toàn, lành mạnh, mọi nhà đều có tết. Thu ngân sách nhà nước đạt 36% dự toán năm, tăng 3,9%.
Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 8,5%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 946,8 triệu USD. Sau kỳ nghỉ tết, thành phố đã quan tâm hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được việc làm tốt, phù hợp với trình độ. Số lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024 là hơn 45,6 nghìn người, đạt 27,6% kế hoạch năm và tăng 2,3%. Công tác đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; hoạt động hỗ trợ, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới
Trong lịch sử nghìn năm hào hùng của mình, có lẽ chưa bao giờ hình ảnh "Rồng bay lên" lại dồi dào sinh lực, vươn cao và tỏa sáng đến thế..., mặc dù còn nhiều bề bộn và bức xúc của một thành phố đang “thay da đổi thịt” từng ngày, chủ động đổi mới, chủ động phát triển.
Với thế và lực mới, Hà Nội ngày càng tự tin và quyết tâm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thành “Thành phố sáng tạo” .
Theo đó, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt 36.000 - 40.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để dần hiện thực hóa những mục tiêu này, Hà Nội quyết tâm cao độ hoàn thiện đồng bộ các phần việc quan trọng, nhằm hoạch định vóc dáng Thủ đô trong tương lai, trong đó có 2 đồ án quy hoạch mang tầm vóc bao trùm, toàn diện. Theo đó, hiện nay TP. Hà Nội đang tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị). Cùng với đó, thành phố cũng đang triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch./.