Hà Nội qua góc nhìn của người lao động di cư
Hà Nội đối với người lao động di cư là gì? Người lao động di cư kết nối với Hà Nội như thế nào? Những câu hỏi này chính là điều mà dự án 'Photo-voice' thực hiện nhằm thúc đẩy tinh thần cộng sinh, hợp tác, bình đẳng trong việc tham gia kiến tạo thành phố, để Hà Nội trở thành một nơi đáng sống cho tất cả mọi người.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày 27/4, Đại sứ quán Đan Mạch kết hợp với Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT), Nhóm Tiên phong Hà Nội và Nhóm ảnh 91-94 thực hiện Tọa đàm “Hà Nội qua góc nhìn của người lao động di cư”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của 34 người lao động (12 nam, 22 nữ) di cư từ 15 tỉnh, thành trong cả nước gồm: Đồng Tháp, Bình Thuận, Sơn La, Yên Bái… đến Hà Nội. Độ tuổi từ 19 đến 65 tuổi, trong đó có nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ cùng tham gia một dự án với tên gọi “Photo-voice” - Kể chuyện qua các tấm ảnh. Dự án được thực hiện từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2021.
Clip do phóng viên báo Tin tức ghi nhận tại buổi Tọa đàm:
Photo-voice là một dự án đặc biệt nằm trong chương trình Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (VMHNĐS), do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam hỗ trợ. Những người lao động di cư được trao những chiếc điện thoại di động và được tham gia các buổi tập huấn về kỹ năng chụp ảnh cơ bản. Qua góc máy của họ, hình ảnh người lao động di cư hiện lên với tỉnh cảm, suy tư, mong muốn của họ với TP Hà Nội – nơi họ không chỉ sinh sống vì kế sinh nhai mà còn đang góp phần kiến tạo nên thành phố.
Ý nghĩ của dự án này là nhằm thúc đẩy đối thoại giữa người di cư và cư dân cũng như chính quyền địa phương để tăng sự thấu hiểu giữa người di cư và người địa phương, người di cư và chính quyền thành phố.
Thông qua chia sẻ của những người lao động di cư tại Tọa đàm, có thể thấy họ có một điểm chung là Hà Nội được định nghĩa qua công việc.
Tại Tọa đàm, đã có 98 bức ảnh được trưng bày với nhiều chủ đề như: “Con người”; “Môi trường”; “Văn hóa”… Trong đó có những câu chuyện kể về kết nối người lao động di cư với nhau, những câu chuyện về người có hoàn cảnh khó khăn, chuyện về không gian công cộng, về văn hóa, ẩm thực, giao thông…
Người lao động di cư đóng góp vào sự phát triển của các thành phố ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên, một số chính sách liên quan đến hộ khẩu còn gây thiệt thòi cho người lao động di cư trong tiếp cận dịch vụ công và tham gia quản trị địa phương. Thực tế, người lao động di cư sống ở những vùng ven đô, khó khăn hơn về cơ sở hạ tầng. Người lao động di cư còn gặp phải những định kiến trong xã hội.
Đặc biệt, thời gian qua do dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, người di cư bị ảnh hưởng nặng nề, gặp nhiều khó khăn trong việc nhận hỗ trợ của Chính phủ.
Qua hình ảnh và những câu chuyện của người lao động di cư tại buổi Tọa đàm đã giúp chúng ta hiểu hơn về tình yêu của họ với Hà Nội là rất tích cực, thể hiện sự quan tâm, gắn bó với Hà Nội và mong muốn đóng góp cho thành phố ngày càng tốt lên.