Hà Nội: Quận Cầu Giấy sẽ dừng bán hàng ăn uống tại chỗ

Sau khi xác định nhiều phường trên địa bàn có dịch ở cấp độ 3, quận Cầu Giấy sẽ yêu cầu hàng quán dừng phục vụ tại chỗ.

Chiều nay (7/1), trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, sau khi xác định nhiều phường trên địa bàn có dịch ở cấp độ 3, quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ điều chỉnh các biện pháp hành chính tương xứng, trong đó yêu cầu hàng quán dừng phục vụ tại chỗ.

Quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) sẽ dừng bán hàng tại chỗ

Quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) sẽ dừng bán hàng tại chỗ

Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương xứng với tình trạng dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam) đã được quận báo cáo UBND TP Hà Nội tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, diễn ra vào sáng 7/1.

>

"Bên cạnh việc yêu cầu các hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn chỉ được phép bán hàng mang về, quận cũng sẽ điều chỉnh thêm một số hoạt động khác. Hiện quận đang xây dựng kế hoạch để ban hành. Các biện pháp điều chỉnh sẽ có hiệu lực sau 48 giờ đồng hồ kể từ thời điểm văn bản được ban hành", vị lãnh đạo này thông tin thêm.

Như vậy, hiện nay, Hà Nội có 11 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam), gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Xuân và Cầu Giấy.

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021, nếu ở cấp độ 3, các hoạt động dịch vụ, biện pháp được áp dụng như sau:

Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm.

Các cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... phải hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị, tăng cường hoạt động làm việc trực tuyến. Quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người đến giao dịch, khách hàng... thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua mã QR, sử dụng phần mềm PC-COVID (khai báo y tế, check in).

Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người...

Phùng Tuệ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-quan-cau-giay-se-dung-ban-hang-an-uong-tai-cho-d538465.html