Hà Nội: Quản lý tài sản nhà, đất công nhiều 'lỗ hổng', trách nhiệm cơ quan quản lý thế nào?
Hà Nội có 802/803 trường hợp nhà chuyên dùng đã hết thời hạn hợp đồng thuê nhà, đất song đến nay chưa được đơn vị quản lý nhà ký lại, gia hạn thuê. Số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng hiện khoảng 1.200 tỷ đồng, đã kéo dài nhiều năm, chưa có phương án thu hồi.
Nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài, khó thu hồi
Ngày 7/7, sau khi kết thúc tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, HĐND TP Hà Nội đã chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước.
Đặt câu hỏi chất vấn với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, ĐB Trịnh Xuân Quang cho biết, thành phố có 802/803 hợp đồng nhà chưa được ký hoặc chưa gia hạn. Số điểm nhà chuyên dùng còn tồn tại, vướng mắc, vi phạm là 357/803, chiếm khoảng 47%. Vậy, trách nhiệm của lãnh đạo công ty ra sao, bao giờ thì tình trạng vi phạm được xử lý?
Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Văn Huân quan tâm đến nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân sử dụng quỹ nhà thuộc quản lý Nhà nước. Qua giám sát số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng hiện khoảng 1.200 tỷ đồng, đã kéo dài nhiều năm. Đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của Sở trong việc này?
Trả lời câu hỏi của ĐB Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, công ty quản lý 803 điểm nhà chuyên dùng.
Sau khi thực hiện thông báo của thành phố gia hạn hoạt động thuê nhà đến hết năm 2018, thì xảy ra một số vướng mắc. Cụ thể, vướng mắc từ thực hiện Luật Quản lý tài sản công nên chưa có cơ sở ký tiếp hợp đồng thuê nhà đối với nhà tiêu dùng còn lại. Vừa rồi, thành phố đã bố trí 5 điểm dành cho các đơn vị an ninh, quốc phòng ký hợp đồng; hiện có 6 điểm còn hiệu lực của hợp đồng thuê nhà tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi liên quan đến nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân sử dụng, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đối với vấn đề thu nợ, Sở Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ này, Sở Tài chính đã đề nghị Công ty phân loại và thu nợ.
Thời gian tới, Sở Tài Chính sẽ khẩn trương cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phân loại sơ bộ đôn đốc thực hiện. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp Trung ương, sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi. Đối với tổ chức, cá nhân, sẽ phân loại, có biện pháp hành chính để tuyên truyền, vận động. Trong trường hợp cần thiết, có thể đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Buông lỏng trách nhiệm quản lý?
Cho rằng nội dung trả lời của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Giám đốc Sở Tài chính chưa thỏa đáng, ĐB Vũ Ngọc Anh cho rằng, cần xem xét lại trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện quản lý quỹ nhà, đất công? Số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm cần nêu rõ lộ trình từng tháng, từng năm để giải quyết vấn đề.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, tổ chức cá, nhân khi thuê nhà phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý thuộc về Sở Tài chính và đơn vị quản lý nhà. Sở Tài chính nhận nhận trách nhiệm về việc chưa kịp thời đôn đốc, giám sát việc chi trả tiền thuê của các tổ chức, cá nhân.
Về lộ trình thu hồi nợ, đây là một vấn đề kéo dài, cần lộ trình xử lý. Đơn cử như trụ sở của công ty chiếu phim, các điểm được thuê có mặt bằng rộng, tiền thuê lớn… nhưng trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, đơn vị không hoạt động được nhưng vẫn phải đóng tiền thuê. Đây là một trong nhưng lý do có đơn vị nợ đến 67 tỷ đồng.
Tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, thành phố mong muốn được giám sát, để nhận thức ra những tồn tại, hạn chế, đưa ra được các giải pháp khắc phục.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, trải qua 2 thời kỳ chính sách, Luật Quản lý tài sản nhà nước 2008, Luật Quản lý tài sản công 2017, mức độ bao phủ của pháp luật quản lý tài sản công rộng khắp, có nhiều nội dung vướng mắc trong khi triển khai. Tới nay, cơ bản quy định pháp luật đã được ban hành đầy đủ.
Liên quan vướng mắc cơ chế đối với quỹ nhà chuyên dùng, UBND TP đã ban hành Quyết định 32 và Quyết định 38; trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Sở. Trong quá trình triển khai, việc phối hợp, phân công, phân cấp chưa đạt được hiệu quả đặt ra.
"Với những nội dung còn tồn đọng, UBND TP sẽ giao cho các đơn vị xây dựng, thành lập Ban Chỉ đạo chung, xử lý các nội dung tồn tại, vướng mắc" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết thêm.