Hà Nội quy định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
Tại kỳ họp thứ 19 HĐND TP. Hà Nội diễn ra sáng 19/11, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (thực hiện điểm a, b khoản 4 điều 41 Luật Thủ đô).
Hà Nội - Điểm sáng quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản công Siết chặt quản lý quỹ nhà tài sản công nhằm tránh thất thoát, lãng phí
Thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch
Nghị quyết gồm 5 chương, với 21 điều, quy định nguyên tắc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết gồm: sử dụng tài sản đúng công năng, mục đích sử dụng của tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước giao. Thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo nghị quyết, đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ công, chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết nêu rõ, nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đơn vị sự nghiệp công sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định.
Trường hợp tài sản được tính thành vốn góp khi liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, việc xác định giá trị tài sản phải bảo đảm các nguyên tắc quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trường hợp liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới, đơn vị sự nghiệp công phải đảm bảo nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong pháp nhân mới...
Việc ban hành nghị quyết này là cần thiết, phù hợp
Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có trách nhiệm lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết hoặc thuê đơn vị tư vấn lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Định kỳ trước ngày 31/1 hàng năm, đơn vị sự nghiệp công có tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hình thức niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của đơn vị, trên trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có), thời hạn công khai là 30 ngày và công bố tại cuộc họp của đơn vị...
Về cơ sở pháp lý ban hành nghị quyết, tờ trình của UBND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng tài sản công chưa sử dụng hết công suất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Hoặc việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo đề án được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phê duyệt (sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND TP. Hà Nội đối với đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập để liên doanh, liên kết).
Nghị quyết cũng quy định về biện pháp bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Để triển khai có hiệu quả Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, chống lãng phí, phát huy nguồn lực; đồng thời, để duy trì, bảo vệ, giữ gìn tài sản công khi sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết thì việc ban hành nghị quyết này là cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Luật Thủ đô./.
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô. Mục đích vừa triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản công; vừa bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác tối đa các giá trị về lịch sử, cảnh quan, văn hóa, du lịch của công trình.